CÁC TÁC PHẨM CHÍNH

  • TIẾNG LÒNG, in chung, NXB Văn hóa - Thông tin,1997
  • DẶM ĐỜI, in chung, NXB Văn học, 2001
  • CHÂN TRỜI MỚI, in chung, NXB Văn học, 2003
  • BIỂN ĐỜI, in chung, NXB Văn học, 2008
  • TUYỂN TẬP THƠ, in chung, NXB Văn học, 2010
  • MÊNH MANG... XUÂN, Nguyễn Duy Yên, NXB Văn học, 2009
  • MỘT THOÁNG HƯƠNG XƯA, Nguyễn Duy Yên, NXB Hội Nhà Văn, 2010
  • NGƯỢC DÒNG THỜI GIAN, Đoàn Kim Vân, NXB Văn học, 2008
  • MÙA HOA NHÃN, Đoàn Kim Vân, NXB Văn học, 2010
  • MUÔN NẺO ĐƯỜNG THƠ, Nguyễn Duy Yên, NXB Văn học, 2012
  • TÂM HỒN TÔI, Đoàn Kim Vân, NXB Văn học, 2003

Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2016

Tập nhạc "XUÂN VỚI TÔI"

                     Tập nhạc phổ thơ "XUÂN VỚI TÔI" của 2 nhà thơ
                    cao tuổi Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân được đưa
                    vào KỶ LỤC VIỆT NAM năm 2015, người có nhiều
                    thơ phổ nhạc..

Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

Với Kỷ lục...

                             Nhà thơ Duy YênKim Vân nhận bằng xác lập Kỷ lục Việt Nam

                             Bài đăng ở báo Tết BÍNH THÂN (2016) của báo NGƯỜI HÀ NỘI 

                     HAI NHÀ THƠ NGUYỄN DUY YÊN VÀ ĐOÀN KIM VÂN với KỶ LỤC
                                "Đôi vợ chồng nhà thơ cao tuổi có thơ phổ nhạc nhiều nhất"  

                                                                                   Nhà Văn Nguyễn Tùng Linh      

Hai nhà thơ Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân đã có hơn 200 bài thơ được các nhạc sĩ phổ nhạc, trong đó có nhiều tác phẩm được thu hình, thu thanh và phát sóng truyền thanh và truyền hình trong cả nước. Hơn một nửa số tác phẩm thơ được phổ nhạc trên đã tập hợp và xuất bản với tiêu đề "XUÂN VỚI TÔI "do NXB Âm nhạcViệt Nam ấn hành.
  Tên tuổi của hai nhà thơ Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân đã trở nên quen thuộc trong công chúng yêu nghệ thuật ở Thủ đô . Để có thơ phổ nhạc, trước hết phải có thơ hay. Trên 50 năm gắn bó với thơ hai nhà thơ đã sáng tác trên 1000 thi phẩm, có nhiều bài được in trên các báo, tạp chí ở Trung ương và địa phương,
Nhà thơ Nguyễn Duy Yên đã có các tập thơ in riêng như :"Mênh mang xuân" "Một thoáng hương xưa" "Muôn nẻo đường thơ" :Nhà thơ Đoàn Kim Vân cũng đã in các tập "Ngược dòng thời gian"
 , "Mùa hoa nhãn", "Lăng kính thơ". Đặc biệt hai nhà thơ đã có nhiều thơ xuất bản chung trong các tập (Tiếng Lòng NXB Văn hóa- Thông tin , 1997), "Dặm đời" (NXB Văn học năm 2000), "Chân trời mới"  (NXB Văn học- 2003),"Biển đời" (NXB Văn học,2008), "Tuyển thơ" (NXB Văn học, 2010). Cả hai cũng đã biên soạn các tập thơ "Trăng với thi nhân" (NXB Văn học, 2010) , "Nợ bút nghiên" (NXB Văn học, 2012). Nhà thơ Nguyễn Duy Yên cũng là dịch giả của nhiều thơ nước ngoài in chung trong nhiều tập thơ.
 Như người xưa vẫn nói"Văn chương nết đất", cả hai nhà thơ đều sinh ra trong những gia đình có truyền thống văn hóa. Nhà thơ Nguyễn Duy Yên sinh năm 1931 trong một gia đình có truyền thống khoa bảng ở làng Thụy Lôi , huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Ông nội ông là Đô Úy tỉnh Tuyên Quang, nghị viên Bắc kỳ. Ông ngoại là danh nhân văn hóa Phan Kế Bính, cha ông là nhà giáo. Năm 1949, nhà thơ Nguyễn Duy Yên tốt nghiệp Trung học, ông gia nhập quân đôi, là học viên Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn (Khóa V). Đến năm 1959 ông lại theo học ở Học Viện Thủy Lợi, rồi về công tác tại Bộ Thủy lợi, Sở Thủy lợi Hà nội đến khi
nghỉ hưu.
  Người bạn đời của ông, nhà thơ Đoàn Kim Vân sinh năm 1936 cùng quê với ông. Cha bà cũng là nhà giáo, ông gia nhập tự vệ địa phương rồi tham gia khởi nghĩa Cách mạng tháng 8-1945. năm1946 ông tham gia trận đánh với Pháp và hy sinh. Nhà thơ Đoàn Kim Vân học hết thành trung năm thứ nhất, tham gia kháng chiến tại quê nhà. Năm 1959 bà về công tác tại Vụ Bảo tồn- Bảo tàng (Bộ Văn Hóa) rồi qua Trung Ương Hội Đông y Việt nam  .
  Thật là duyên kỳ ngộ, cả hai ông bà đều yêu thích thơ ca từ lúc còn ngồi ở ghế nhà trường. Cả hai đều bắt đầu làm thơ và đã có một số bài thơ được bạn bè truyền tay ưa thích. Có phải chăng chính thơ ca đã khiến hai trái tim đồng điệu ấy đến với nhau . Sau ngày nên vợ nên chồng, ông bà đều bận rộn công tác và nuôi dưỡng con cái,việc thơ ca tạm gác lại. Cho đến những năm cuối thế kỷ trước, khi các con đã khôn lớn trưởng thành, ông bà có thời gian nhiều hơn cho thơ, hai người động viên nhau sáng tác và tập hợp những bài thơ viết rải rác trước đó xuất bản thành các tập thơ.
 Những sáng tác thơ của hai nhà thơ Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân đã được công chúng đón nhận, Các nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình nổi tiếng cũng có nhiều nhận xét, đánh giá về phẩm chất thơ của ông bà. Nhà thơ Bằng Việt, chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Hà nội đã viết về nhà thơ Nguyễn Duy Yên "Một tiếng thơ tuy có vẻ như còn thầm lặng, nhưng lại có một phẩm chất cần thiết cho thơ hôm nay, đó là là sự tỉnh táo trong vẻ cao ngạo và sự cao ngạo ẩn mình trong các suy nghĩ tỉnh táo", Nhận xét 201 bài thơ tứ tuyệt của nhà thơ Đoàn Kim Vân, nhà thơ Bùi Việt Mỹ Tổng biên tập báo Người Hà Nội đã viết (Đoàn Kim Vân đã có một bước tiến dài trong sáng tác, đó là độ chín về lối viết,nhuần nhuyễn,  trau chuốt về cấu tứ, bản năng thơ được bộc lộ tự nhiên đi sâu vào tâm tư tình cảm qua các hiện tượng xã hội ... ).
  Ghi nhận những đóng góp của hai tác giả Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân, Hội Nhà Văn Hà Nội đã kết nạp hai nhà thơ là hội viên của Hội.
  Thơ ca là cái gốc của âm nhạc và âm nhạc lại chắp cánh cho thơ ca. Thơ của ông,bà được rất nhiều nhạc sĩ phổ nhạc là điều không có gì ngạc nhiên. Bên cạnh 110 bài thơ được phổ nhạc tuyển chọn trong tập" XUÂN VỚI TÔI", ông bà đã có nhiều bài thu trong đĩa VCD, CD như "Đường chiều" (NXB Âm nhạc Việt Nam 1997), "Hai sắc hoa Tigon" (NXB Hà nội, 2007), nhiều bài đã phát sóng trên sóng các đài phát thanh truyền hình Hà Nội, đài phát thanh Việt Nam, đặc biệt có bài "Em ơi biển",, "Trăng và biển" được phát trong chương trinh VTVI của đài truyền hinh Việt Nam. Và kỷ lục"ĐÔI VỢ CHỒNG NHÀ THƠ CAO TUỔI CÓ THƠ PHỔ NHẠC NHIỀU NHẤT" chính là kết quả của tình yêu với thơ ca, với âm nhạc bền bỉ cùng năm tháng của hai nhà thơ Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân.
   






 

Thứ Hai, 25 tháng 1, 2016

Cảm xúc...

                                                                     Ảnh Internet

ĐOÀN KIM VÂN

CẢM XÚC - ĐÊM TRĂNG TÂY HỒ
Bài đăng trong số báo Tết "NGƯỜI HÀNỘI"
năm BÍNH THÂN (2016)

Đêm trăng ngắm cảnh Tây Hồ
Cành cây xanh ủ sương bay la đà
Yêu sao người đẹp Hằng Nga
Sông trăng một dải Ngân Hà sáng sao
Hương đêm êm dịu ngọt ngào
Vi vu tiếng gió tan vào ánh trăng
Nhớ xưa chuyện cũ kể rằng
Sâm Cầm* bơi lội tung tăng mặt hồ
Biết bao cảnh đẹp Thủ đô
Điểm tô non nước đón chờ ngàn xuân
Biến thiên tạo hóa xoay vần
Xa rồi mỹ nữ cung tần thuở xưa
Trời còn lúc nắng lúc mưa
Một vầng trăng lẻ cuối mùa về đâu?
Trăng suông lơ lửng trăng sầu
Rằm qua trăng khuyết để mau chóng già
Canh khuya ngả bóng trăng tà
 Tình trăng với nước đậm đậm đà sắc hương
Hàng cây im ngủ bên đường
Tàn đêm trăng lặn còn vương tơ lòng,

____________

*Chim Sâm Cầm,

                         Đoàn Kim Vân

MỪNG XUÂN BÍNH THÂN (2016)


MỪNG XUÂN

Bài đăng báo NGƯỜI HÀ NỘI 
số Tết BÍNH THÂN (2016)

Thoáng qua đã hết một năm
Mai, Đào đua nở mùa xuân lại về
Từ thành thị tới thôn quê
Chào mừng năm mới tràn trề niềm vui
Văn minh nếp sống con người
Cùng nhau phấn đấu cho đời ấm no
Quyết tâm xây dựng cơ đồ
Việt Nam giàu đẹp nên kho sử vàng
Làm cho nòi giống vẻ vang
Tiến cùng nhân loại ngang hàng năm châu
Ngoài trời lất phất mưa mau
Tu thân nên nhớ những câu Thánh hiền
Thăm chùa đất Phật cảnh Tiên
Khói hương lan tỏa bay trên tượng đài
Mơ màng thoát tục trần ai
Lắng nghe nhịp mõ nhớ hoài xa xăm
Thiền sư ngồi đó thâm trầm
Tụng kinh niệm Phật cõi trần ngân nga
Gió xuân nhẹ thổi hiền hòa
Còn vương đôi chút sương sa lạnh lùng
Bầu trời măt nước xanh trong
Ngày xuân vãn cảnh cho lòng thảnh thơi.

   Xuân Bính Thân (2016)

     Nguyễn Duy Yên

KÝ ỨC ÔNG NGOẠI TÔI

KÝ ỨC ÔNG NGOẠI TÔI



KÝ ỨC ÔNG NGOẠI TÔI
                                           
                                                       Nguyễn Duy Yên
       Ông ngoại đã mất 10 năm tôi mới cất tiếng khóc chào đời (1931). Bởi vậỵ hiểu biết về ông ngoại chỉ qua các  tác phẩm và   ký ức mà cha mẹ tôi kể lại.
Ông ngoại tôi có sáu người con: hai trai và bốn gái (đã mất), bác cả và cậu tôi không có con trai. Mỗi người chỉ có một con gái. Ông tôi sinh năm 1875 và mất năm 1921 thọ 47 tuổi, quê ở làng
Thụy Khê - huyện Hàm Long – tỉnh Hà Đông (nay thuộc quận
     Cụ Phan Kế Bính      Ba Đình – thành phố Hà Nội).
         (1875-1921)              
Ông ngoại tôi vốn dòng dõi khoa bảng, thi đậu cử nhân Hán học khoa Bính Ngọ. Là một nhà nho tự rèn luyện chữ quốc ngữ nên ông đã sớm trở thành một nhà ngôn luận có tên tuổi trong báo giới.
Năm 1918, cha tôi học ở trường Sư phạm Hà Nội (cùng khóa với nhà văn Nguyễn Công Hoan) trọ học ở nhà ông Phan Kế Bính, vì yêu quý cha tôi nên đã gả con gái, đó chính là mẹ tôi.
Nhiều lần mẹ tôi đã kể cho con cái nghe: tuy hai bên gia đình đều là khoa bảng, đời sống khá giả nhưng đám cưới rất đơn giản, ngày ấy đi lại khó khăn giao thông không thuận tiện, đón dâu phải đi bằng thuyền, vì vậy đón dâu ông yêu cầu nhà trai không phải đến nhà gái, chọn ngày lành tháng tốt, đúng hẹn ông sẽ cử người đưa dâu về nhà chồng. Thế là đúng ngày làm lễ cưới ông cử bà cô (em ruột ông) đưa mẹ tôi về nhà chồng cùng đi còn có một người bạn gái của mẹ tôi. Thuận buồm xuôi gió chiếc thuyền buồm đã đưa cô dâu về nhà chồng đúng hẹn.
Còn hai bên họ nhà trai, họ nhà gái tổ chức thế nào thì không nên bày vẽ linh đình tốn kém.
Cha, mẹ chúng tôi chung sống hạnh phúc trọn vẹn trên 60 năm và cả hai ngoài 80 tuổi mới mất.
Cha, mẹ chúng tôi thường nói: Rất tiếc là có một số bản thảo tác phẩm của ông để lại trước khi mất, giao lại cho cha tôi, song năm 1949 giặc Pháp tràn đến quê hương đốt phá làng mạc nên những bản thảo bị thiêu hủy.
Cha mẹ chúng tôi thường dạy: Ông ngoại là nhà tri thức nho học, giàu lòng yêu nước, không ưa chốn quan trường thích sống giản dị và thanh đạm, ông từ chối làm quan để chọn con đường viết văn, làm báo và dịch thuật, ông cho rằng làm như thế mới có ích cho dân tộc, nêu cao được truyền thống văn hóa Việt Nam và khơi dậy lòng yêu nước thương nòi, chống lại sự nô dịch của thực dân Pháp.
Vì ông có tư tưởng yêu nước nên bọn thực dân Pháp để ý toan bắt ông. Nhưng nhờ có một số bạn bè giúp đỡ (trong đó có ông Nguyễn Văn Vĩnh) nên ông đã tránh vào Sài Gòn (1912) làm biên tập báo Lục tỉnh tân văn.
1
Đến năm 1914 ông trở về Bắc làm biên tập cho Đông Dương tạp chí, sau đổi thành Trung – Bắc tân vănHọc báo.
Ông ngoại tôi là người có đức độ, nêu tấm gương sáng về tinh thần tự học, nỗ lực làm việc, cha tôi kể rằng những năm cuối đời ông mắc bệnh lao người gầy tọp song vẫn cần mẫn làm việc tới khi trút hơi thở cuối cùng.
Ông sống có khoa học biết mình có bệnh hay lây nên ở riêng, ngày hai bữa cơm ông tự lo ( vợ con chỉ nấu cho niêu cơm, thức ăn mua về ông tự làm lấy nấu nướng trên cái bếp lò người nhà mang đến).
Ông tránh tiếp xúc với vợ con và người xung quanh để  khỏi lây bệnh sang người khác, ông ăn uống có điều độ, trước mỗi bữa cơm uống ba chén hạt mít rượu với thức nhắm lúc đĩa lạc rang, lúc thì vài ba bìa đậu luộc hay rán, sau đó ăn hai bát cơm với thịt nhiều rau.
Những năm cuối đời biết mình sống chẳng còn bao lâu lại đau yếu luôn, nên ông đã dành hết sức lực để sáng tác và dịch thuật, rất tiếc những bản thảo của ông từ năm 1918 đến 1921 đã bị thất lạc, một phần do chiến tranh, một phần do gia đình lưu giữ không cẩn trọng.
Giữa năm 1921 (30 – 5 – 1921), ngôi sao trên trên bầu trời văn học đã tắt, thi hài ông được mai táng tại quê nhà, tang lễ cử hành trọng thể, họ hàng thân thích, bạn bè gần xa cùng nhân dân vô cùng thương tiếc tiễn đưa ông tới nơi an nghỉ cuối cùng với dòng người kéo dài từ làng Thụy Khê đến làng Bưởi.
Trải qua năm tháng chiến tranh và gió bụi của thời gian, nay mộ chí danh nhân Phan Kế Bính đã chuyển  về nghĩa trang  Thanh Tước, bên cạnh mộ người vợ yêu quý của ông.
Cách đây không lâu, công trình của Phan Kế Bính viết năm 1915, Việt Nam phong tục  đã được bà Nicole Louis – Hesnard, thành viên Viện Đông Bác cổ Pháp, từ 1975 đến 1980 dịch sang tiếng Pháp có chú giải. Công trình này được đánh giá là một cuốn tham khảo quan trọng  cho những ai muốn am hiểu  xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX. Giới thiệu cuốn sách này bà Jeanne Beausoleil, quản thủ bộ sưu tập Albert Kahn đã đưa ra một sự so sánh thú vị. “ Sau khi đọc lời tựa cuốn sách của Phan Kế Bính, chúng tôi ta không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy cách nhìn giống nhau  giữa tác giả Việt Nam (1875 – 1921) với Albert Kahn (1860 – 1940). Cả hai đều cảm thấy mình đang mang một sứ mạng giống nhau: giáo dục và những kiến thức về thực tế và nhờ sự giáo dục đó mà đem lại một định hướng mới cho xã hội”. Điều ấy đã được Phan Kế Bính diễn giải như sau: “Mỗi nước có một phong tục riêng. Phong tục ấy kỳ thủy hoặc bởi tự một vài người mà rồi bắt chước nhau mà thành ra thói quen; hoặc bởi ở phong thổ và cách chính trị, cách giáo dục trong nước mà thành ra; hoặc bởi cái phong trào ở ngoài tràn vào rồi dần dần tiêm nhiễm thành tục.
Nhưng đại thể tục gì cũng vậy, phải trải lâu tháng lâu năm mới thành được, mà trong những tục ấy cũng có tục hay, cũng có tục dở. Duy chỉ bởi tai mắt người đã quen, lòng người đã tin dung, thì dẫu có người biết là dở mà cũng không sao đổi ngay đi được …”
2
Trong bộ sưu tập ảnh của Albert Kahn vẫn còn giữ 1.700 tấm ảnh màu do Leson Busy chụp ở miền Bắc Việt Nam trong những năm 1915 đến 1920. Điều kỳ lạ là những tấm ảnh của Busy cứ như là hình ảnh minh họa cho cuốn sách của Phan Kế Bính, nếu đặt những tấm hình đó bên cạnh mục lục cuốn Việt Nam phong tục , ta sẽ nhận thấy cái giống nhau giữa chủ đề hai bên: làng xóm, chức sắc, công việc truyền thống, thành hoàng, lễ hội … đến đây người viết còn đặt ra giả thuyết: phải chăng Léon Busy đã từng gặp Phan Kế Bính và đã theo sát công việc của nhà biên khảo này. Vào năm 1915 quan hệ giữa nho sĩ và chính quyền thuộc địa còn khó khăn, nhưng Busy đã sống ở Hà Nội từ 1898, còn Phan Kế Bính thì sống ở ven Hồ Tây. Theo lời Phan Kế Bính thì “chồng bà luôn gặp gỡ bạn bè”:, biết đâu trong số đó có Léon Busy, vì ông này nói sõi tiếng Việt Nam thời đó.
Tháng 5 năm 2005 Hội KHLS Việt Nam và dòng tộc họ Phan sẽ tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm 85 năm ngày mất và trao tượng đồng danh nhân Phan Kế Bính cho dòng tộc họ Phan tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Thật sự là niềm vui, phấn khởi động viên tinh thần cho dòng tộc họ Phan. Chúng tôi nguyện noi gương rèn luyện và học tập để xứng đáng với danh nhân Phan Kế Bính, người đã đem lại niềm tự hào cho dòng họ.
NGUYỄN DUY YÊN
(Cháu ngoại cụ Phan Kế Bính)
Trích Tạp Chí Xưa Và Nay – Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam
Số 235 V – 2005 Năm Thứ Mười Hai

Chị cả của tôi

                                                                 
           Ảnh Đoàn Xuân Quỳ                                                       
CHỊ CẢ CỦA TÔI

Chị gái thân thương ánh sắc màu
Thay cha đỡ mẹ bớt lo âu
Đàn em thơ dại hằng chăm sóc
Làm chị nghĩa tình vẹn trước sau
Xót mẹ cuộc đời bao vất vả
Phận mình bươn trải ngại chi đâu
Bén duyên phải lứa nên chồng vợ
Hạnh phúc trăm năm ước nguyện cầu.

Hạnh phúc trăm năm ước nguyện cầu
Mối tình trong sáng giữ bền lâu
Danh thơm để lại cho con cháu
Nức tiếng thơ vang thế mới giàu
Trung hiếu hai nhà tròn đạo lý
Thủy trung đọng mãi trái tim sâu
Một đời vun đắp xây vườn mộng
Thu lượm đầy thuyền quả đỏ au.

         Đoàn Xuân Quỳ

Tiễn em gái

Tiễn người em gái

 












Ảnh hai chị em: Kim Vân&Xuân Quỳ

TIỄN NGƯỜI EM GÁI  

Bao cuộc chia tay một cuộc đời
Luyến tiếc làm sao lúc chia phôi
Hợp tan, tan hợp xưa nay thế
Cho lòng thầm kín nhớ xa xôi

Tiễn em hôm ấy một chiều mưa
Buồn lắm em ơi đến tận giờ
Vẫn biết chia ly là thương nhớ
Vẫn là muôn thuở tự ngàn xưa

Em có biết không cứ mỗi lần
Chia tay tạm biệt với người thân
Bâng khuâng lòng chị sao buồn thế
Đường về đôi ngả thấy xa xăm

Nào có xa gì để cho cam
Sài gòn - Hà nội chẳng tày gang
Em về trong ấy buồn xa vắng
Ngoài này chị nhớ lúc Đông sang.

              Mùa Đông 2014


           ĐOÀN KIM VÂN

Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

Quê hương tôi...

                     Quê hương tôi : PHỐ SUÔI XINH ĐẸP (Duy Yên & Kim Vân)

Thứ Ba, 19 tháng 1, 2016

Về cặp song ca...

Vợ chồng bác Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân - Cặp song ca hai thế kỷ.
Bài đăng: Tạp chí Người Cao Tuổi số 03 - 2012
Về "CẶP SONG CA HAI THỂ KỶ"
   
                      ĐINH VĂN LÀNH
   "Cặp song ca hai thế kỷ" là lời của nhà thơ Phạm Tiến Duật khi nói về vợ chồng bác Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân. Tôi cân nhắc mãi mới chọn được một tiêu đề như thế để giới thiệu đôi nét về hai bác, đúng hơn là về câu chuyện thơ ca của hai bác.
    Trước hết, tôi thực sự trân trọng với những đam mê nghệ thuật và những đóng góp cho thơ ca của hai bậc cao niên-"Cặp song ca hai thế kỉ" này. Khoảng mười năm gần đây, hai bác đã "trình làng" 9 tập thơ. Năm tập thơ của hai bác in chung: "Tiếng lòng", Nxb Văn hóa; "Dặm đời", Nxb Văn học; "Chân trời mới", Nxb Văn học; "Biển đời", Nxb Văn học; "tuyển tập thơ Nguyễn Duy yên - Đoàn Kim Vân", Nxb Văn học và 4 tập thơ in riêng (mỗi bác hai tập): Bác Nguyễn Duy Yên với tập "Mênh mang xuân", Nxb Văn học; "Một thoáng hương xưa", Nxb Hội Nhà văn Hà Nội; Bác Đoàn Kim Vân với tập "Ngược dòng thời gian", Nxb Văn học; "Mùa hoa nhãn", Nxb Hội Nhà văn Hà Nội.
    Cặp vợ chồng người lính "đã cùng nhau gắn bó hưởng những đắng cay ngọt bùi, bươn chải trong cuộc sống; cho đến bây giờ khi họ đã trở thành những nhà doanh nghiệp thành đạt, hồn thơ vẫn ở lại bên họ, đều đặn một cách dung dị". Các bài thơ trong những tập thơ nêu trên đều xuất phát từ tình cảm chân thành của hai tâm hồn đồng điệu.
    Có thể nói, mặc dù ở nhiều bài, lời thơ không có gì cầu kì, kiểu cách, nhưng mỗi người đều có một cách diễn đạt riêng, song đều xuất phát từ một nguồn mạch chung, đó là tấm lòng nhân hậu, tâm hồn rộng mở, cuọc sống tình nghĩa, thủy chung; kể cả trong tình cảm vợ chồng, gia đình đến những quan hệ với làng xóm, quê hương và đất nước. Điều đó đã đi vào thơ một cách hồn nhiên rồi tỏa sáng, và nó đã làm nên hồn cốt của mỗi trang thơ.
    Những gì góp phần tọa dựng nên cuộc sống, dù nhỏ thôi, cũng đều được trân trọng, nâng niu và gìn giữ. Đây là kỷ niệm đẹp về những buổi đầu yêu đương, hai người tìm hiểu nhau trên đoạn đê làng:
    Da diết nhớ sao những buổi chiều
    Trên đê dạo bước nhớ người yêu
                   (Nhớ - Nguyễn Duy Yên)
          Và:
    Trên đê rồi cứ mỗi chiều
    Nắng vàng dần tắt, quạnh hưu cõi lòng
    Cháy lên ngọn lửa nhớ mong
    Mái chiều thôn dã, khuê phòng tịch liêu
                  (Lưu luyến - Đoàn Kim Vân)
    Rồi những gì có được trong đời sống tình cảm của họ đối với gia đình, xóm làng và quê hương, đất nước cũng đều được hiện lên trong thơ với sự nồng ấm, đằm thắm, thiết tha:
    Quê hương ơi! Biết bao trìu mến
    Nếp nhà tranh cùng dáng mẹ kính yêu
                (Chiều Hà Nội - Nguyễn Duy Yên)
    Và:
    Tình làng nghĩa xóm trước sau
    Gặp nhau thăm hỏi những câu ân tình
                (Về quê mẹ - Đoàn Kim Vân)
    Cả hai người đều có điều kiện đi nhiều, hiểu nhiều. Càng đi, họ càng thấy tự hào trước những cảnh đẹp kì thú của thiên nhiên trên mọi miền đất nước. Chính thiên nhiên đã làm cho hồn thơ thăng hoa, giúp cho họ thêm yêu cuộc sống:
    Có đi tới mọi miền ta mới hiểu
    Nước non mình kì thú đẹp biết bao
    Yêu cuộc sống như mùa xuân bất tử
    Ngẩng đầu lên trong dáng đứng tự hào
                   (Nhớ (II) - Nguyễn Duy Yên)
    Cuộc sống được hiện lên trong thơ của hai bác với nhiều bình diện khác nhau. Song, chủ đề được tập trung là sự trân trọng những vẻ đẹp của cuộc sống, cảnh đẹp của thiên nhiên đất nước. Và cũng chính vì yêu cuộc sống, nên ở nhiều bài thơ, hai bác đều muốn gửi gắm những suy tư của riêng mình; đó là nỗi lòng, là trách nhiệm, và thái độ của mình trước những thăng trầm của cuộc đời:
    Mênh mông biển rộng sông dài
    Sầu riêng một gánh, hai vai nặng tình.
         (Một chiều xa anh - Đoàn Kim Vân)
    Và:
    Vương vào cái bả hư danh
    Lòng không trong sáng lòng mình bỏ đi
    Chớ mang cái tiếng thị phi
    Vương vào thêm nhục ích gì khổ thân
                (Vương - Nguyễn Duy Yên)
    trong bài viết quá ngắn ngủi này, không thể nào nói hết được những cái hay, cái đẹp và những đóng góp của 9 tập thơ nêu trên. Tôi chỉ biết nói lên sự trân trọng đối với niềm đam mê của hai nhà thơ cao tuổi - "Cặp song ca hai thế kỷ", như lời nhà thơ Phạm Tiến Duật đã nói. Song điều đáng vui mừng hơn là, đến nay, khi cả hai đã bước qua trên dưới chục năm cái tuổi "Xưa nay hiếm", nhưng tâm hồn vẫn trẻ, lai láng hồn thơ. Bác Đoàn Kim Vân đã 76 tuổi vẫn cứ "Vu vơ" đi "tìm ý một bài thơ chưa thành" và bác Nguyễn Duy Yên thì luôn trăn trở, chiêm nghiệm cuộc sống vì cái"duyên thơ":
    Thơ văn đâu có trẻ già
    Nàng thơ quanh quẩn mãi bên ta
    Duyên nợ chi đây mà thắm lại
    Để tình đeo đẳng dứt không ra
            (Duyên thơ - Nguyễn Duy Yên)

Thứ Hai, 18 tháng 1, 2016

Đôi điều...

                                                                       Ảnh Internet

                     ĐÔI ĐIỀU CÙNG BẠN ĐỌC

  Trước đây tôi đã cho ra mắt bạn đọc gồm các thể loại thơ in trong các tập : Tiếng lòng (1997), Dăm đời (2000) Chân trời mới (2003), Biển đời (2007),  Ngược dòng thời gian (2008), Mùa hoa nhãn (2010).
 Trong tập thơ này tôi có dụng ý viết theo thể loại tứ tuyệt (bốn câu), ngắn gọn nói về cảnh, người và sự việc.
Sử dụng lời tuy ít nhưng ý tứ sâu xa, tinh tế, gợi cho bạn đọc nhưng giây phút suy tư, rung động, dễ nhớ, khó quên.Tôi nghĩ thơ càng cô đọng, hàm chứa được nhiều ý và lời như thế sẽ làm giàu thêm chất thơ.
  Từ tuổi cắp sách tới trường, nay đã lĩn kĩn về già, ôn lại những chặng đường đã đi qua, thơ đã làm cho tâm hồn tôi trong sáng và an bình, vượt qua thác ghềnh giữa dòng đời đầy biến động
  Cái giới hạn thông thường của đời người sống được trăm năm đã là sung mãn lắm rồi, song thử hỏi được mấy ai?
  Ngẫm cho cùng :   Sinh tử chẳng qua cũng lẽ đời
                              Thời gian vun vút tháng năm trôi
                              Trần gian lận đận còn bao độ
                              Thấp thoáng qua đi một kiếp người.
  Thơ thẩn với cuộc đời ngót tám mươi xuân, tâm hồn thơ đọng mãi trong tôi, thơ có cá tính , phong cách, giọng điệu riêng, có buồn vui, ước mong và hy vọng, Mặc dù giai đoạn này có nhiều người mặc cảm với thơ văn, bới nó được xuất bản tùm lum, quá dễ dãi lại rơi vao thời kỳ khá nhiều người có lối sống thực dụng của nền kinh tế thị trường. Nhưng thơ ca vẫn có chỗ đứng với sức sống bền lâu, nó sẽ tồn tại mãi mãi, vì nó là cội nguồn của đất nước thơ ca.
  Trong một rừng thơ ca, có bài hay sẽ đi sâu vào lòng người, có bài không được hay thời gian sẽ tinh giản, sàng lọc, người đọc sẽ lãng quên. Âu cũng là quy luật khắc nghiệt của văn chương. ai đã đụng vào thì phải chấp nhận, ông "Thần văn học" phán xét chẳng kiêng nể ai, rất công bằng và chính trực.
  Tập "Lăng kinh thơ"này tôi muốn gửi tới bạn đọc đôi dòng kỷ niệm tinh thần, rất mong các bạn đón nhận và độ lượng.
                            Lòng còn gửi lại chút này
                           Tình thơ lai láng mà say hương đời
                           Trăm năm ra khỏi cõi người
                           Tâm hồn tôi vẫn sáng ngời niềm tin

                               Cuối Đông năm Quý Tỵ (1-2014)

                                        Đoàn Kim Vân

Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2016


Duy Yên dự Hội nghị CCB

           Duy Yên (Đứng hàng thứ tư từ trái sang) dự Hội nghị CCB
           ở Thanh xuân-Hà nội (29-11-2015).

Duy Yên dự Hội ngị CCB

        Duy Yên (đứng hàng thứ 4 từ trái sang) dự Hội nghị CCB
        ở Thanh xuân-Hà nội.(29-11-2015).

Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2016

Duy Yên dự Hội nghị CCB

           Duy Yên (ngồi hàng 3 bên trái) dự hội nghị CCB ở
           Thanh xuân-Hà nội (29-11-2015).

Duy Yên dự Hội nghị CCB

                  Duy Yên (ngồi hàng thứ 3 bên trái) dự hội nghị CCB ở
                  Thanh Xuân - Hà nội (29 - 11 - 2015).

Duy Yên dự hội nghị CCB

                      Duy Yên (ngồi thứ 2 từ trái sang) dự hội nghị CCB
                      ở Thanh xuân-Hà nội (29-12-2015).