CÁC TÁC PHẨM CHÍNH

  • TIẾNG LÒNG, in chung, NXB Văn hóa - Thông tin,1997
  • DẶM ĐỜI, in chung, NXB Văn học, 2001
  • CHÂN TRỜI MỚI, in chung, NXB Văn học, 2003
  • BIỂN ĐỜI, in chung, NXB Văn học, 2008
  • TUYỂN TẬP THƠ, in chung, NXB Văn học, 2010
  • MÊNH MANG... XUÂN, Nguyễn Duy Yên, NXB Văn học, 2009
  • MỘT THOÁNG HƯƠNG XƯA, Nguyễn Duy Yên, NXB Hội Nhà Văn, 2010
  • NGƯỢC DÒNG THỜI GIAN, Đoàn Kim Vân, NXB Văn học, 2008
  • MÙA HOA NHÃN, Đoàn Kim Vân, NXB Văn học, 2010
  • MUÔN NẺO ĐƯỜNG THƠ, Nguyễn Duy Yên, NXB Văn học, 2012
  • TÂM HỒN TÔI, Đoàn Kim Vân, NXB Văn học, 2003

Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

TỪ THƠ ĐẾN CA

TỪ THƠ ĐẾN CA
Dương Việt Á
Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân

        Theo bước người xưa, ta vẫn hằng quen gọi: thơ ca. Suy ngẫm thêm mới thấy tầm sâu sắc và chí lý của cách nói đó: Thơ ca là một từ ghép gồm hai loại hình nghệ thuật - thơ thuộc loại hình nghệ thuật văn chương, và ca thuộc loại hình nghệ thuật âm nhạc. Song chúng lại có một mối quan hệ gắn bó mật thiết đến mức khi ghép lại để thành một từ ngữ với tính cách là một danh từ thì mọi người đều thấy đấy là hiển nhiên, hiển nhiên theo nghĩa: đó là một loại thể thuộc loại hình nghệ thuật văn chương - thơ ca. Từ "ca" trong từ ghép "thơ ca" bị coi như là một từ đệm mang sắc thái tu từ.
         Hóa ra, không phải thế! Từ ngọn nguồn lịch sử mang tính truyền thống của nền văn hóa - nghệ thuật Việt Nam, thơ thường là khởi nguồn của ca. Chỉ với một loại thể thơ lục bát, cha ông ta đã có thể ca theo rất nhiều làn điệu. Nhìn rộng hơn, mọi loại thể thơ dân gian cổ truyền đều có thể ca lên, hát lên theo một làn điệu,   hoặc nhiều làn điệu nào đó. Và trên dặm dài lịch sử, ca cứ phải xuất phát từ bệ phóng thơ để cất cánh bay vào vũ trụ âm nhạc bao la của mình để tìm cuộc sống cho riêng mình. Rồi dần dần, cũng tìm ra được cái riêng mình (trong dân nhạc, nhạc lễ, nhạc cung đình ...). Tuy nhiên, nhìn kỹ lại trong vốn âm nhạc cổ truyền thuần túy (không lời) vẫn thấy thấp thoáng, lúc ẩn lúc hiện, hình bóng của thơ - mà rõ nhất là tư duy sáng tác âm nhạc.
       Với trào lưu tân nhạc xuất hiện từ năm 1930, dường như có một cuộc chia tay giữa thơ và ca - nhạc sĩ sáng tác kiêm nhiệm luôn cả công việc soạn ca từ (dĩ nhiên vẫn có những nhạc sĩ phổ thơ - thơ dân gian và cả thơ mới). Bởi lẽ, với trào lưu tân nhạc, chịu ảnh hưởng của cách thức tư duy sáng tác và thi pháp âm nhạc của phương Tây, ca từ thường đến sau âm nhạc. Âm nhạc cách mạng và kháng chiến (nhất là trong cuộc kháng chiến chống Pháp) cũng đi theo đường hướng đó. Song mối liên hệ bên trong giữa thơ và ca vẫn là mối duyên nợ không thể nào - và không tài nào - dứt bỏ được. Phổ thơ với nhiều dạng thức (Phỏng thơ, dựa theo  ý thơ, trích thơ ...) đang trở thành hiện tượng phổ biến, nhất là với loại thể ca khúc nghệ thuật, ca khúc trữ tình. Và cũng xin nói luôn ở đây rằng, trào lưu nhạc trẻ hiện nay đang có xu hướng chia tách giữa thơ và ca.
        Luận bản đúng sai, phải trái của xu hướng chia tách thơ và ca, có lẽ phải dành dịp khác. Song có thể khẳng định rằng: đưa ca về với thơ, kết nối duyên tơ giữa thơ và nhạc là con đường hoàn toàn đúng đắn. Đúng đắn không phải vì cứ cái gì người xưa đã làm thì người nay cứ thế mà làm theo! Đúng đắn, bởi vì giữa thơ và ca có một mối liên hệ bên trong như đã nêu trên, nói rõ hơn cả hai đều cùng chung một phương thức phản ánh cuộc sống: trữ tình, nghĩa là trong thơ và ca (nhạc) ở đây, nghệ sĩ - tác giả không dừng lại hoặc thông qua miêu tả, tường thuật, tự sự, mà trực tiếp bày tỏ, bộc lộ, biểu hiện ... những cảm xúc và cảm nhận của mình trước thế giới hiện thực khách quan với vô vàn sắc thái cũng như cung bậc về tình cảm. Một bài thơ trước hết phải chứa đựng - hoặc ít ra là ẩn chứa - điều đó! Một bài ca, bài hát, một ca khúc dài hoặc ngắn, càng không thể thiếu điều đó! Một đằng (thơ), là những tiếng lòng sâu thẳm được chuyển tải bằng ngôn ngữ. Một đằng (ca và nhạc) là những nhịp đập thầm kín của con tim được vỗ cánh trên những dòng âm thanh.
Chính vì lẽ đó mà ba tập thơ của Đoàn Kim Vân và Nguyễn Duy Yên (Tiếng lòng, Dặm đời và Chân trời mới) lần lượt được xuất bản trong vòng mười năm gần đây - đã lọt vào mắt xanh của rất nhiều nhạc sĩ tài danh. Có những nhạc sĩ mới phổ một bài như: Phú Ân, Hồng Đăng, Đoàn Bổng, Trung Hiếu, Quốc Lâm, Đăng Toàn.... Lại có nhạc sĩ phổ vài ba bài hoặc nhiều hơn như: Trần Hoàn, Huy Du, Nguyễn Đức Toàn, Hồ Bắc, Trọng Bằng, Huy Thục, Thuận Yến, Văn Dung, La Thăng, Thanh Hà, Trần Đức (ngoài những bài phổ thơ còn có một ca khúc tặng riêng hai tác giả thơ: Cảm tác cùng Duy Yên - Kim Vân của nhạc sĩ Dân Huyền và những bản nhạc phổ thơ hai tác giả của một số nhạc sĩ đề tặng như: Huy Thục, La Thăng, Lê Thọ, Nguyễn Tiến, Nguyễn Đăng Tài, Thúy Nga, Hoàng My...)
      Cũng có thể có người nghĩ rằng việc nhiều bài thơ của Đoàn Kim Vân và Nguyễn Duy Yên được chọn để phổ nhạc là do quan hệ rộng rãi và chân tình của hai tác giả với giới sáng tác âm nhạc. Cứ cho là như thế đi. Song đã có nhiều tập thơ được ấn hành, chủ yếu là để tặng bạn bè, mà sao lại ít lọt vào mắt xanh của nhạc sĩ?
       Trước hết, có lẽ nên xóa bỏ một cách nhìn về việc xuất hiện nhiều tập thơ, tập nhạc của một tác giả trong những năm tháng gần đây, theo cách nhìn đó, hiện tượng vừa nêu trên được đánh giá như là một nạn "lạm phát thơ", "lạm phát nhạc"....và còn nữa: "lạm phát tranh", "lạm phát tượng", "lạm phát triển lãm","lạm phát album ca nhạc" ....
     Ô hay! thế ra việc sáng tác nghệ thuật chỉ là thứ dành riêng cho một vài người nào đó sao? Thử hỏi, trước khi trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng, anh (chị) có trải qua những bước chập chững ghép vần, ghép điệu, ghép nốt, ghép âm...không? Anh chị đều là thần đồng Moda cả chăng? Anh và chị đều như Thánh Gióng, sinh ra rồi vụt lớn, rồi nghiễm nhiên trở thành nghệ sĩ tài năng hay sao?
      Nên mừng về hiện tượng vừa nêu trên, vì nó nói nên mức độ trưởng thành và phát triển của dân trí Việt Nam thời hiện đại và đương đại. Những sản phẩm nghệ thuật không chuyên ấy chính là nền móng không thể thiếu của nghệ thuật chuyên nghiệp, là "chân tháp" mà không có nó thì cũng không thể có "đỉnh tháp"!
Nhìn lại lịch sử văn hóa - nghệ thuật Việt Nam, hiện tượng vừa nêu trên không phải là điều mới lạ. Đã từng có hiện tượng "người người sáng tác, nhà nhà sáng tác", thế hệ nối tiếp thế hệ... sáng tác đủ các thể loại nghệ thuật: văn, thơ, họa, nhạc... Để rồi thông qua một quá trình sàng lọc, gạn đục, khơi trong mà có một kho tàng nghệ thuật dân gian đồ sộ về khối lượng, và óng ánh về chất lượng. Khi bạn bè trên thế giới gọi Việt Nam là đất nước của anh hùng và thơ ca cũng là muốn nói về điều đó.
       Truyền thống ấy vẫn đang tồn tại, nhưng lại hiện hữu dưới một hình thức khác trước - do điều kiện xã hội và nhất là khoa học công nghệ đem lại. Chuyện in ấn một bài thơ, một bài hát... giờ đây chỉ là "chuyện vặt". Xin ai đó chớ hốt hoảng. Thời gian sẽ thực thi chức năng sàng lọc, gạn đục khơi trong của nó - kể cả với tác phẩm của chính anh (và bạn)!
       Riêng với tập nhạc phổ thơ của Đoàn Kim Vân và Nguyễn Duy Yên, lại còn có một nét khác. Phổ thơ, về thực chất là một sự đồng điệu giữa người làm thơ và người soạn nhạc - thậm chí là một dạng tri kỷ, tri âm. Trước hết, đó là sự chia sẻ và sự quý trọng của các nhạc sĩ đối với hai tác giả Đoàn Kim Vân và Nguyễn Duy Yên. Hai người từ một đôi tình nhân giữa một cô "thôn nữ" và một chàng "lính chiến" đến lúc kết tóc xe tơ thành vợ thành chồng, rồi nay lại nên ông, nên bà (nội, ngoại), với một mối tình thủy chung - chắc đã gợi thức trong tâm hồn của các nhạc sĩ bạn bè những cảm xúc nào đó. Nhìn vào hiện trạng tình yêu và hôn nhân, dường như mối tình giữa Đoàn Kim Vân và Nguyễn Duy Yên đã thành một tấm gương trong. Tình yêu sắt son ấy đã được kết đọng trong thơ, và các nhạc sĩ, với trực giác tài năng của mình, đã phát hiện, thấu hiểu, và hòa nhịp trái tim mình thành những dòng âm thanh mượt mà, ý nhị.
       Hai tác giả thơ - Đoàn Kim Vân và Nguyễn Duy Yên - không chỉ khoanh thế giới tình cảm của mình trong giới hạn anh em, con cháu, bạn bè... mà còn mở rộng sang cả đất trời, sông biển, cỏ cây ... Yêu người nên yêu đời cũng là thế!
        Thế giới tình cảm trong thơ của Đoàn Kim Vân và Nguyễn Duy Yên còn mang một sức lay động sâu xa khác nữa đối với các nhạc sĩ - đó là sự đồng điệu trong cách cảm nhận cuộc sống. Nhìn lại, các nhạc sĩ phổ thơ gần như là ở độ tuổi  ngoại lục tuần - nghĩa là cùng trang lứa với hai tác giả thơ. Từ nét hồn nhiên, chân chất của mối tình, của một thời - dăm chục năm trước - của hai tác giả thơ đã gợi thức trong ký ức các nhạc sĩ những mối tình thơ mộng, thơ ngây của một thời son trẻ về trước mấy trục năm. Một chút bâng khuâng, xao xuyến ....trước cảnh vật bao la, một nét lắng sâu, suy ngẫm về nhân tình thế thái , một thoáng vui buồn về thời gian, tuổi tác... tất cả gần như là "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu". Họ, tác giả thơ và tác giả nhạc đã soi thấu lòng nhau. Và có một vài nhạc sĩ trẻ hơn về tuổi đời, có lẽ đã vượt ngưỡng năm, tháng để hòa nhịp với suy tư và cảm nhận của hai tác giả Đoàn Kim Vân và Nguyễn Duy Yên.
       Còn một điều kì thú nữa: trong 20 bài hát phổ thơ được in vào tập này (chắc chưa đầy đủ) trong tổng số 90 bài nhạc phổ thơ (35 bài phổ thơ Nguyễn Duy Yên, 55 bài nhạc phổ thơ Đoàn Kim Vân) Có một số bài nhạc phổ thơ đã được in trong tập Dặm đời và Chân trời mới.
        Nhìn chung, thơ của bà được phổ nhạc nhiều hơn thơ của ông (xin hai tác giả thơ thông cảm khi tôi không dùng mấy từ "thơ của anh" và "thơ của chị" vì hai anh chị đã ở vào tuổi thất tuần! Tôi cũng không dùng mấy từ "thơ của hai cụ", vì thơ là tiếng lòng thì không thể tính đếm bằng năm, tháng, thời gian ...).
       Vì sao "thơ của nàng" lại được phổ nhạc nhiều hơn "thơ của chàng" -gọi thế cho phù hợp với tình cảm trong thơ của hai tác giả. Hai tác giả thơ, hơn nửa thế kỉ qua, tuy "hai mà một".
Nhưng theo luật của thượng đế vẫn là tuy "một mà hai". Thơ của Nguyễn Duy Yên, đọc kỹ, vẫn có cái rắn rỏi, cứng cáp, nam tính của người "lính chiến", thơ của Đoàn Kim Vân lại mang cái chất dịu dàng, đôn hậu, nữ tính của cô "thôn nữ" ngày nào. Âm nhạc là tiếng nói của tình cảm, vì thế thơ của Đoàn Kim Vân dễ lay thức sự đồng cảm của các nhạc sĩ sáng tác chăng?
       Và qua đây, ta càng thấy rõ mối liên hệ bên trong giữa thơ và ca trữ tình là phản ánh cuộc sống của hai loại thơ thuộc hai loại hình nghệ thuật. Mối duyên thơ giữa thơ và nhạc sẽ bổ trợ cho nhau để tạo nên những ca khúc có sức sống lâu bền.
Tập bài hát này, trước hết, ghi nhận sự đồng điệu giữa hai tác giả thơ và các tác giả nhạc. Và tất cả, đang chờ bạn tri kỷ, tri âm ...
Xuân Đinh Hợi 2007

BẾN XƯA - QUÊ HƯƠNG(tiếp)


Video: BẾN XƯA-QUÊ HƯƠNG
Kết hợp Video "Thăm quê" của tác giả Huy Khôi, Thúy Hà và CD thơ "Bến Xưa" của anh chị Duy Yên, Kim Vân.(2009 - 2010)

Báo Hưng Yên số 3088 Thứ hai ngày 15/4/2013


Báo Hưng Yên số 3097 thứ sáu 26-4-2013

BẾN XƯA - QUÊ HƯƠNG


Video: BẾN XƯA-QUÊ HƯƠNG
Kết hợp Video "Thăm quê" của tác giả Huy Khôi, Thúy Hà và CD thơ "Bến Xưa" của anh chị Duy Yên, Kim Vân.(2009 - 2010)

Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

Người Đàn Bà "Bới Rác Ra Tiền"


Người Đàn Bà "Bới Rác Ra Tiền"
Nhà báo Quỳnh

         Bà Kim Vân nói: "Chúng tôi yêu nhau đều là mối tình đầu, vì thơ mà mê nhau đấy. Ngày xưa phải lòng để ý nhau từ thơ, tỏ tình bằng thơ. Đám cưới hôm trước thì hôm sau anh Duy Yên đã lên đường hành quân.Thư từ chiến trường gửi vào, từ hậu phương gửi ra cũng là những vần thơ thương nhớ, đợi chờ. Hết chiến tranh, gia đình sum họp. Đến những ngày gian truân khốn khó vật lộn vì kinh tế, hay những khi thư giãn an nhàn, hai vợ chồng vẫn bên nhau thủy chung son sắt, lại vừa thắm tình tri kỷ của một cặp bạn thơ. Đến nỗi bây giờ già rồi, bạn bè còn đùa: dễ chừng ông bà này ở nhà nói chuyện với nhau cũng có vần có điệu".
          Nhà cửa ông bà Duy Yên - Kim Vân giờ đây khang trang bề thế, con cái phương trưởng. Đồ gỗ Mỹ Hà có 12 cửa hàng tại Hà Nội, các con đang phát triển Mỹ Hà thành một Group: không chỉ có đồ gỗ mỹ nghệ mà còn cả kinh doanh nội thất, thời trang, đồ giả cổ... "có được ngày hôm nay là nhờ bàn tay tần tảo, tháo vát và đầu óc kinh doanh sắc bén, quyết đoán của bà nhà tôi", ông Duy Yên tự hào nói về vợ mình.
          Bà Kim Vân vẫn chưa quên những tháng ngày cơ cực của gia đình:"Con đông, "trứng gà trứng vịt", hai vợ chồng đều là cán bộ, được phân cho ở nhờ một căn phòng chật chội ngay nơi thờ Hải Thượng Lãn Ông. Tường bằng gỗ tạp đóng quây lại, trong nhà là đền thờ, tôi là phụ nữ sợ xúc phạm chỗ linh thiêng, thường kê tấm phản ra ngủ ngoài hè. Con cái nheo nhóc quá, cứ đau đầu nghĩ mình phải tìm ra việc gì đó mà làm  thêm, để lấy tiền nuôi con. Ngay từ những năm 70, khi cả miền Bắc còn ngạt trong nền kinh tế bao cấp, hai vợ chồng đã phải tính kế bứt ra. Chồng làm kế toán ngoài giờ cho một HTX, tôi nhận in nhãn vở học sinh bán buôn cho hàng xén chợ Đồng Xuân. Hai vợ chồng đi làm nhà nước về , thức khuya dậy sớm, sắp chữ, các con dập in. Từ đó in sang vải, khăn mùi xoa, bao bì nhựa.... Khi công việc đều tay, làm 10 ngày đã có thu nhập bằng cả tháng lương. Qua một số nghề khác: nhuộm cặp sắt màu (thứ để kẹp quần áo), mua trấu xay thành cám bổi bán lại, nhuộm giấy màu thủ công, đóng cặp hồ sơ 3 dây, giao hàng thuê cho các tổ sản xuất nhựa gia công, làm lốp xe đạp...Làm ăn chăm chỉ tằn tiện, tới 1975 cộng số tiền dành dụm đã kha khá, bèn vay thêm hùn vốn với một vài người mở của cơ sở sản xuất dép nhựa gia công. Ngày ấy ra ngoài kinh doanh nghĩa là tư thương, bị phê phán lắm, làm cứ phải giấu. Vẫn đảm bảo cho các bình xét ở cơ quan, về nhà lại lao đầu vào làm cung thợ, tự tay mang giao bán từng đôi cho các quầy dép ở chợ Đồng Xuân. Vợ chồng có tiền dư ra, việc đầu tiên là dồn vào mua một cây đàn piano cho con học(cây piano này lúc ấy trị giá như một gia sản ). Đến thời điểm ấy gia đình đã thoát nghèo, nhưng tôi vẫn luôn khao khát kinh doanh hối thúc: rõ ràng trong lãnh địa này mình còn khả năng và mình phải khai thác nó...".
        Những năm đầu thập kỉ 80, khi nghề thủ công truyền thống còn đang èo uột đìu hiu ngay trong lòng các làng nghề, các nghệ nhân ôm sẵn nỗi buồn về sự mai một, thất truyền vốn liếng cha ông, thì bà Kim Vân đã nhìn ra một con đường cho mình. Bà chọn nghề gỗ chạm khảm, đi về các làng nghề cổ: Vân Hà, Vân Diềm, Đồng Kỵ, Phú Xuyên, Nam Định, Đông Anh...tìm người dựng lại nghề. Ngày ấy làng nào cũng nghèo, trong các kho gỗ chỉ còn những đầu gỗ vụn, bà vận động từng nghệ nhân cầm lại đục, bào... đứng ra bày  chỉ cho lứa thợ trẻ và tự tay làm cho bà. Lúc đầu chỉ làm con giống, tượng phật, đồ thờ... lấy tên hiệu là Mỹ Hà. Sau một lần bà Kim Vân tình cờ được chiếc cửa và đôi ghế cổ được chạm, khảm trai rất đẹp, bà nảy ra ý tưởng làm đồ nội thất theo kiểu giả cổ. Với quan điểm "người là gốc", bà rất tin cậy và chăm chút các nhân viên của mình. Có những người từng vào tù, ngay cả bạn bè thân quyến cũng xa lánh, bà Kim Vân đã bảo lãnh về cho họ được làm việc, có người từng ngồi tù 7 năm, bà giao cho quản lý cả một phân xưởng của mình. Ngay cả khi Mỹ Hà điêu đứng vì nguồn vốn, bà Kim Vân vẫn sẵn sàng vay tiền ứng cho gia đình của từng nhân viên. Vì thế, những người cộng sự đã quyết tâm theo Mỹ Hà, vì Mỹ Hà đến cùng. Cho đến ngày hôm nay, ngoài 12 chi nhánh Mỹ Hà tại Hà Nội do các con cháu ông bà Duy Yên, Kim Vân quản lý, đồ gỗ nội thất mỹ nghệ mang thương hiệu Mỹ Hà đã có mặt tại châu Âu, châu Mỹ và khắp châu Á. Còn bà tỷ phú ở tuổi gần 70 vẫn ngày ngày đi xe ôm ra cai quản công việc ở cửa hàng mình.
         Bà Kim Vân cười hồn hậu: "Gia đình và bạn bè cứ nói đùa, rằng tôi bới đống rác cũng ra tiền. Tôi chỉ thấy mình là người chịu khó, thương chồng thương con, và cũng là cái số nữa nên thấy việc đến lại phải cố. Giờ thì già rồi, đang rút lui dần nhường vị trí cho các con. Quay về làm bạn thơ với ông lão nhà tôi".
"Ông lão" ấy thương và cảm phục vợ phải biết. Từ khi tóc còn xanh tới ngày đầu bạc, bà vẫn là "người đẹp" trong trái tim ông. Và bây giờ:
Anh anh, em em mãi rồi mà 
Giờ đây lên lão, vẫn hai ta
Tình đời lại đẹp hơn xưa nhỉ?
Anh đổi thành ông, em hóa bà.
                          (Tình già _ Duy Yên)
      Mong rằng, tay trong tay họ sẽ đi bên nhau với một tình yêu son sắt, tới ngày cuối cùng của cuộc đời.
Năm 2001

Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2013

NƠI GÓP PHẦN HỒI SINH LÀNG NGHỀ



NƠI GÓP PHẦN HỒI SINH LÀNG NGHỀ
Nhà báo Hoàng Linh
Nói đến các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ, rất nhiều người tiêu dùng nhắc tới các sản phẩm của HTX Thủ công mỹ nghệ Mỹ Hà. Sản phẩm của Mỹ Hà luôn được người tiêu dùng đánh giá là có chất lượng tốt, mẫu mã phong phú và mang tính thẩm mỹ cao.
         Theo chỉ dẫn của nhiều khách hàng tôi tìm đến Mỹ hà tại 256 Lê Duẩn, Hà Nội. Với vẻ mặt đôn hậu, bà Đoàn Kim Vân - Chủ nhiệm HTX - tâm sự: "Có được thương hiệu và uy tín như ngày nay chúng tôi đã phải vượt qua không biết bao nhiêu khó khăn gian khổ, nhiều khi tưởng chừng như gục ngã". Cách đây gần 20 năm, khi còn công tác tại Vụ Bảo tồn - Bảo tàng thuộc bộ văn hóa - Thông tin, tôi đã có ý thức rằng tại sao các sản phẩm đồ gỗ chạm, khảm của Việt Nam được rất nhiều du khách nước ngoài cũng như trong nước quan tâm mà chúng ta lại không phát triển....Khi về hưu, tôi quyết  tâm thành lập HTX Mỹ Hà, nhằm phục hồi và phát huy bản sắc dân tộc, đưa các mặt hàng đồ gỗ chạm khảm hồi sinh và phát triển.
        Gần 20 năm qua, các sản phẩm đồ gỗ Mỹ Hà đã từng bước chiếm lĩnh thị hiếu của người tiêu dùng. Ngoài các sản phẩm giả cổ như: Tràng kỷ, sập gụ, tủ chè, bàn ghế chạm khảm...., Mỹ Hà còn sáng tạo các sản phẩm mang tính hiện đại như tủ rượu, tủ góc, salon, tủ áo, bàn trang điểm ... Bà Vân cho rằng, sở dĩ các sản phẩm của Mỹ Hà có được chỗ đứng như ngày hôm nay chính là nhờ chất lượng sản phẩm. Nguyên liệu chính   để cho ra đời sản phẩm bao gồm gỗ trắc, gỗ gụ, gỗ mun và trai, ốc biển có nhiều màu sắc được khai thác trong nước hoặc nhập từ nước ngoài.
        Việc quyết định đặt xưởng sản xuất ngay tại các làng nghề truyền thống như Đồng Kỵ, Phú Xuyên, Vân Hà, một mặt vừa giảm giá thành sản phẩm, mặt khác thu hút các nghệ nhân cũng như nhân công có tay nghề cao vào làm việc cho Mỹ Hà. Hiện tại Mỹ Hà đã tạo công ăn việc làm cho gần 200 người với thu nhập từ 500.000 đồng đến 1.800.000 đồng/người/tháng. Anh Nguyễn Văn Thìn, một thợ lành nghề của Mỹ Hà cho biết, công việc và mức thu nhập hiện nay đã góp phần làm thay đổi cuộc sống của gia đình anh. Nhiều gia đình ở làng nghề đã xây được nhà khang trang, sắm sửa các tiện nghi đắt tiền.
       Cho tới nay, trên địa bàn Hà Nội, Mỹ Hà đã có 12 cửa hàng chuyên kinh doanh các mặt hàng mỹ nghệ, chạm khảm. Chẳng hạn cửa hàng ở 28 Đồng Nhân tại đây khách hàng có thể lựa chọn cho mình những sản phẩm với yêu cầu thẩm mỹ cao. Anh Nguyễn Tuấn, chủ cửa hàng Mỹ Hà 28 Đồng Nhân cho biết, cửa hàng của anh có thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của khách hàng về mọi chủng loại và kích cỡ. Chẳng hạn trong một ngôi nhà, cửa hàng có thể trang trí cho 5 phòng: tủ thờ, phòng khách, phòng ngủ, phòng làm việc và bếp mà không có một sự trùng lặp nào. Để thu hút khách hàng, ngoài các yếu tố như chất lượng, thẩm mỹ, giá cả, Mỹ Hà đặc biệt quan tâm đến công tác tư vấn và thiết kế. Hiện tại, Mỹ Hà có 2 kỹ sư chuyên tư vấn về nội thất cho khách hàng. Tùy không gian của gia đình hay cơ quan, các chuyên gia này sẽ tư vấn cho khách hàng nên mua sản phẩm nào cho phù hợp....
        Đi lên từ hai bàn tay trắng, gần 20 năm qua Mỹ Hà đã vượt qua không biết bao nhiêu khó khăn thử thách để có được những thành quả như ngày hôm nay. Đó cũng là mồ hôi và công sức của bà Đoàn Kim Vân và toàn thể xã viên. Trong giai đoạn hiện nay, trước những đòi hỏi và thách thức của cơ chế thị trường, hơn bao giờ hết Mỹ Hà lại cố gắng vươn lên, đầu tư đổi mới cơ sở vật chất, công nghệ nhằm đưa tới cho khách hàng những sản phẩm ưu việt nhất, đồng thời góp một phần lưu giữ và phát triển vốn nghề đặc sắc của dân tộc.
28.12.2000

MỘT NỮ DOANH NGHIỆP



MỘT NỮ DOANH NGHIỆP
Nhà báo Phương Tây
        Bắt chặt tay vợ người chiến sĩ cũ trong cuộc gặp mặt mừng Xuân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tươi cười:
        - Vậy chị đã là chiến sĩ!
          Sung sướng và xúc động, chị Đoàn Kim Vân, Chủ nhiệm HTX Mỹ Hà nói:
        -Dạ, kính thưa anh Văn, chúng em đã hứa...
       Từ khi còn là cán bộ Vụ Bảo tồn - Bảo tàng của bộ văn hóa, hàng ngày tiếp xúc với nhiều báu vật có giá trị về mỹ thuật, nhất là các hiện vật cổ được tạo bằng gỗ chạm khảm trai, xà cừ hoặc sơn mài của các nghệ nhân thời trước, chị từng ấp ủ suy nghĩ: tại sao lại không thể khôi phục nghề truyền thống ấy? Hai cuộc chiến tranh tàn khốc đã làm nghề truyền thống chạm khảm hầu như bị lãng quên.
       Năm 1982, khi về hưu, chị Đoàn Kim Vân sáng lập HTX Mỹ Hà, nói sao hết những khó khăn buổi đầu đối với chị. Người phụ nữ đôn hậu, giàu tâm huyết và nghị lực ấy lại được người chồng thân yêu từng là sĩ quan trường Lục quân Trần Quốc Tuấn năm xưa động viên, đã vào Nam ra Bắc, tìm về cội nguồn, đến những làng nghề nổi tiếng còn lại một, hai nghệ nhân đang truyền nghề cho con cháu, tập hợp và chọn lựa nhiều kíp thợ: chạm Đồng Kỵ (Bắc Ninh), khảm Phú Xuyên (Nam Định) và hàng trăm lao động bắt tay vào chế tác. Tìm được nguồn nguyên liệu gỗ đã khó, mà xuất khẩu lại chưa mở được lối đi, chị lấy ngắn nuôi dài, tạo thế. Và rồi cơ chế mở cửa như nàn gió mới làm bừng lên cung cánh làm ăn năng động, chất lượng, hiệu quả của chị. Chị mạnh dạn cùng các nghệ nhân cải tiến mẫu mã, giá cả hợp lý. Giữ được niềm tin và uy tín, chị đã ký được nhiều hợp đồng với các doanh nghiệp, khách sạn, đại sứ quán. hàng của chị có mặt tại khắp các châu lục. HTX Mỹ Hà từng đoạt 4 huy chương vàng tại các Hội chợ triển lãm mỹ nghệ toàn quốc.
       Chị xúc động nói: "Ông chủ tịch Liên minh các HTX và doanh nghiệp ngoài quốc doanh Hoàng Minh Thắng đã dành cho tôi nhiều thuận lợi như tạo điều kiện cho vay vốn, thành phố Hà Nội cử chị đi học tập, trao đổi hàng hóa ở nhiều nước ...". Khi được hỏi: "Trước thềm thế kỷ XXI, rừng đóng cửa, nguồn gỗ quý hiếm dần, chị làm thế nào phát triển được nghề của HTX?", chị đã trả lời: "Cái hấp dẫn chính là tinh xảo nghề nghiệp chuyên môn. Đời sống nhân dân tăng lên, trang trí nội thất cần nhu cầu cao, quan hệ quốc tế rộng mở, hàng trăm thợ sẽ có cuộc sống vững vàng, và HTX Mỹ Hà không còn nhỏ bé như bây giờ, tôi tin là thế, anh ạ!".
         Vâng , không phải hàng trăm thợ mà hàng nghìn người lao động đang cần cù sáng tạo, duy trì nghề chạm khảm một thủa vàng son, đang đặt niềm tin vào chị, đặt niềm tin vào tương lai đất nước như mùa xuân đang tới.
Xuân Mậu Dần 1998