CÁC TÁC PHẨM CHÍNH

  • TIẾNG LÒNG, in chung, NXB Văn hóa - Thông tin,1997
  • DẶM ĐỜI, in chung, NXB Văn học, 2001
  • CHÂN TRỜI MỚI, in chung, NXB Văn học, 2003
  • BIỂN ĐỜI, in chung, NXB Văn học, 2008
  • TUYỂN TẬP THƠ, in chung, NXB Văn học, 2010
  • MÊNH MANG... XUÂN, Nguyễn Duy Yên, NXB Văn học, 2009
  • MỘT THOÁNG HƯƠNG XƯA, Nguyễn Duy Yên, NXB Hội Nhà Văn, 2010
  • NGƯỢC DÒNG THỜI GIAN, Đoàn Kim Vân, NXB Văn học, 2008
  • MÙA HOA NHÃN, Đoàn Kim Vân, NXB Văn học, 2010
  • MUÔN NẺO ĐƯỜNG THƠ, Nguyễn Duy Yên, NXB Văn học, 2012
  • TÂM HỒN TÔI, Đoàn Kim Vân, NXB Văn học, 2003

Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

NHỚ VỀ PHỐ THỤY

                                                                  Ảnh Internet

                         NHỚ VỀ PHỐ THỤY*

                      Thơ của Nguyễn Ngọc Hoàn từ Mỹ
                      gửi 23-1-2013.
                   
                      Nhớ quá đi thôi phố Thụy ơi!
                      Nhớ từng dạng Nhãn nhớ chơi vơi
                      Nhớ con sông Luộc lững lờ chảy
                      Nhớ bến thuyền xưa tấp nập người
                      Nhớ phiên chợ Suôi đông người họp
                      Nhớ phố Khách xưa cận bến tầu
                      Ôi! nhớ biết bao nhiêu là nhớ
                     Khôn tả làm sao hết được lời.

                     *Phố Thụy Lôi quê hương của tác giả.

                     Thơ phúc đáp của Nguyễn Duy Yên:
                   
                         NỖI NHỚ

                      Nỗi nhớ đầy vơi , nhớ suốt đời
                      Bến bờ xa lắc dặm mù khơi
                      Lũy tre bến nước thời thơ ấu
                      Dạng Nhãn , phố xưa tận cuối trời
                      Phiên chợ làng Suôi trong tưởng nhớ
                      Cầu tầu sông Luộc một dòng trôi
                      Người xưa vắng bóng tìm đâu thấy
                      Thấp thoáng qua đi một kiếp người.

                               Hà nội 29-1-2013

                                 Nguyễn Duy Yên

Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2013

"TỰ HỎI" VÀ "SUY NGẪM"

Ảnh : Internet

Thạc sỹ NGUYỄN VĂN SƠN

NGUYỄN DUY YÊN: "TỰ HỎI" VÀ "SUY NGẪM"

        Không dựa trên những biện luận trừu tượng, không triết lý sáo rỗng, không tỏ ra mình đứng trên tất cả, mà chính những trải nghiệm cuộc đời phong phú và tâm hồn sáng trong, tao nhã đã tạo nên tính suy ngẫm trong thơ Nguyễn Duy Yên. Ông không quá cầu kì vào câu chữ, không quá bận tâm vào chủ đề, không sính thể hiện phong cách, nhưng sau khi ý tưởng được hình thành, vần điệu tự tìm đến và cùng với những nốt nhạc rất riêng của tâm tư, cảm xúc, những câu thơ của Nguyễn Duy Yên cứ vậy thể hiện, cứ vậy đi vào lòng người....
      "Tự hỏi " và "suy ngẫm" là những tín hiệu nghệ thuật đặc trưng của tập thơ bốn câu này. Xưa nay, triết lý đánh dấu bước phát triển vượt trội của tư duy con người, từ những ý tưởng thô nhám, những xúc cảm giản đơn thành tri thức mang tầm khái quát, trừu tượng và có giá trị nhận thức lẫn cảm hóa. Sự phong phú của trải nghiệm, độ sâu sắc của suy tư cộng với ý thức mang tính nhân văn về bản thân và xã hội đã giúp nhà thơ Nguyễn Duy Yên viết nên những câu thơ đầy ám ảnh, đôi lúc đạt đến tầm triết lý sâu xa. Đó là các bài thơ như Tự hỏi, Vịnh cá cảnh, suy ngẫm, Bến đời, Cái tôi, Cờ đời, Tìm bạn, Khuyên nhau, Hèn, Trời chẳng cho ai, Nợ, Tự dọ, Vịnh cây xương rồng....
      Bên cạnh đó, thơ Nguyễn Duy Yên còn mang hơi hướng lãng mạn thời tiền chiến. Bóng dáng con thuyền trôi xuôi trên dòng nước buồn sầu, một ánh trăng khuya luồn qua khe cửa chẳng cài then, một cánh chim lạc loài bay mải trong chiều không gió, một tia nắng mai lắp lánh phản chiếu trên giọt sương pha, một tiếng rao đêm mơ  hồ vọng lại trong bóng tối và sương giá, một bến sông sầu nhớ khách chiến chinh.... Sự tái hợp của ý tưởng cổ xưa và xúc cảm hiện đại đã khiến cho thơ Nguyễn Duy Yên vừa có cái mênh mang biến ảo của thời gian lại vừa có sự hiện diện rất thực của không gian. Đây là một điểm đặc trưng đánh dấu phong cách thơ Nguyễn Duy Yên, cũng là điều lưu lại dấu ấn trong lòng độc giả.
Hà Nội, 12.9.2012

Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

TỰ SƯỚNG (Duy Yên)


                                                                     Ảnh Internet

                                                 TỰ SƯỚNG

                                           Quanh năm phơi bụng cười vui sống
                                           "Di Lặc" đời nay dễ mấy ai?
                                           Đắc ý câu thơ mình tự sướng
                                           Văn chương đâu kém bậc anh tài
                                           Nghênh ngang mũ áo chi thêm bận
                                           Thanh thản đường trần đón gió mai
                                           Thú thế còn gì mong hơn nữa?
                                           Rung đùi ngoạn cảnh ngắm thiên thai.

                                                        Nguyễn Duy Yên

Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

HÀNH TRÌNH MỚI CỦA TÁC GIẢ NGUYỄN DUY YÊN

Ảnh : internet

Nhà thơ NGUYỄN VIỆT CHIẾN
Ủy viên BCH Hội liên hiệp VHNT Hà Nội
 Ủy viên BCH Hội Nhà văn Hà Nội

THƠ BỐN CÂU - HÀNH TRÌNH MỚI CỦA TÁC GIẢ NGUYỄN DUY YÊN

        Sau 2 tập thơ in riêng Mênh mang ... xuân (Nxb. Văn học) và Một thoáng hương xưa (Nxb. Hội Nhà văn), cùng 5 tập thơ in chung với vợ là bà Đoàn Kim Vân (hội viên Hội Nhà văn Hà Nội), nhà thơ Nguyễn Duy Yên tuy năm nay đã 82 tuổi nhưng vẫn cho thấy một bút lực khá dồi dào. Vốn dòng dõi là cháu ngoại của cụ cử Phan Kế Bính, một danh sĩ - dịch giả nổi thiếng thời Pháp trước đây, hẳn ông Nguyễn Duy Yên cũng mang trong mình dòng máu văn chương con nhà nòi. Nhưng có lẽ cuộc chiến tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc đã khiến ông phải gác mộng bút nghiên mà đi vào trận mạc.
       Sau này khi cuộc sống gia đình con cái đã lớn khôn thành đạt vẻ vang, ông mới trở lại với giấc mộng văn chương thủơ ban đầu thì cũng đã vào "tuổi xưa nay hiếm". Và thật lạ, trong hơn một thập niên qua, vợ chồng ông với cả chục tập thơ in chung, in riêng ở khắp các nhà xuất bản chuyên nghành văn học đã cho thấy sức lao động chữ nghĩa của cặp vợ chồng thi sĩ này cũng khiến nhiều người phải kinh ngạc.
      Với cả ngàn bài thơ viết trong 15 năm qua (tập thơ thứ nhất Tiếng lòng in năm 1997), có thể nói ông là một người bền bỉ và say đắm với thi ca. Không hiểu có phải là vì sống với người bạn đời trăm năm cũng đắm say tình yêu thi ca như mình nên dường như nguồn lực cảm hứng của thơ ông cứ như một dòng chảy không hề vơi cạn qua năm tháng. Dưới đây là một bài thơ tặng vợ của ông:
"Một túp lều tranh lập cuộc đời
Đôi lòng thủy chung vượt biển khơi
Qua rồi cái tuổi xưa nay hiếm
Nếm trải bao phen khóc lẫn cười "
                              (Tặng vợ tôi)
      Có thể những bài thơ ban đầu của vợ chồng ông cũng giống như một thứ văn vần tả cảnh, tả tình mà hầu hết các cụ "đến tuổi làm thơ" ở khắp các câu lạc bộ thơ trên cả nước đều ngày đêm thi nhau sáng tác. Nhưng rồi qua thời gian, sự lắng đọng và kinh nghiệm của nghề viết cũng đã bồi đắp cho vốn - tri - thức - thơ của nhà thơ Nguyễn Duy Yên những thi cảnh mới, những cảm xúc mới, những ý tưởng mới để đến hôm nay ông xuất bản tập Muôn nẻo đường thơ với hơn trăm bài thơ 4 câu. Tôi cho rằng cái khẩu khí của nhà thơ Nguyễn Duy Yên trong bài thơ Nạn thơ là một nét chấm phá khá khôi hài về tình trạng "người người làm thơ, nhà nhà in thơ" ngày hôm nay:
"Nhà thơ sao lắm thế giời ơi!
Thơ nhả tùm lum cóc vái trời
Thiên hạ tha hồ ăn chữ nghĩa
No rồi, chướng bụng vái xin thôi"
                                (Nạn thơ)
       Theo tôi, bài thơ 4 câu nói trên, nếu đọc ở bất cứ một câu lạc bộ thơ Phường - khóm nào, nhà thơ Nguyễn Duy Yên cũng sẽ được bà con yêu thơ vỗ tay rào rào hưởng ứng. Tuy đôi lúc có thể cười ra nước mắt như vậy vì cái thứ văn chương - hàng - xáo, nhưng tôi biết ông cũng đã buồn thật, nản thật, đau thật ở bài thơ dưới đây:
"Văn chẳng ra văn, thơ chẳng ra thơ
Tuổi cao sức yếu mắt thêm mờ
Thơ văn bát nháo không buồn đọc
Tri kỷ chỉ tìm trong giấc mơ"
                            (Vắng bạn thơ)
       Không chỉ có thế, tâm - sự - thơ của tác giả Nguyễn Duy Yên nhiều khi cũng đã đi vào những ngõ ngách "bếp núc" của thi ca với nhiều trằn trọc thế sự giữa đời thường:
"Mộng mị đêm trường choàng tỉnh giấc
Nắng mai lấp lánh giọt sương pha
Vần xoay thế sự say mà tỉnh
Phiếm luận văn chương một tiếng "khà" "
       Chưa hết, ở một bài thơ khác, tôi rất đồng cảm và "khoái nhĩ" với Nguyễn Duy Yên khi ông nói thẳng tuột ra một nhận xét về cái thứ thơ "lòe đời" bằng chữ nghĩa như sau:
"Đọc kỹ tập thơ chẳng hiểu gì
Lằng nhằng triết lý cái chi chi
Ngờ rằng ngộ chữ lòe thiên hạ
Đại bịp thành danh thế mới kỳ"
       Chỉ cần đọc mấy bài thơ trích dẫn trên đây, tôi đã nhận ra cái chất nửa trào phúng, khôi hài và nửa trữ tình, lãng mạn trong thơ 4 câu của nhà thơ Nguyễn Duy Yên chính là một hành trình mới trên con đường hoàn thiện thi ca của ông. So với các tập thơ trước đây, các bài thơ 4 câu của ông Nguyễn Duy Yên trong tập Muôn nẻo đường thơ cô đọng hơn mà nói được nhiều hơn, giản dị hơn mà lại có nhiều rung động, ngẫm ngợi hơn và đằng sau những câu thơ ấy là một nụ cười chiêm nghiệm có pha chút sâu cay thế sự như bài thơ sau:
"Có những bài thơ bỏ lãng quên
Vì đời bận rộn cuộc đua chen
Nàng thơ tủi phận duyên không bén
Chẳng lẽ đem thơ đọ với tiền"
                        (Thơ và tiền)
      Tôi chợt nghĩ, trong biển cả văn chương chữ nghĩa mênh mông của bao đời , có lẽ cái tự học vủa mỗi một người thơ để trau dồi kiến thức văn chương có lẽ cũng phải bền bỉ lắm, kiên nhẫn lắm mới có thể có được một chút gì đấy trên con đường khó khăn, gập ghềnh của người cầm bút. Và bài thơ dưới đây của nhà thơ Nguyễn Duy Yên cũng có một tâm sự như vậy:
"Chân lý thì dài đời ngắn ngủi
Gia tài ngọn bút gửi mai sau
Nổi chìm lặn ngụp trong biển học
Đua với thời gian bạc trắng đầu"
                            (Biển học)
      Khép lại bài viết này, tôi cảm nhận thấy hình như nhà thơ Nguyễn Duy Yên đã tìm ra điểm mạnh của chính mình trong thơ 4 câu, điều mà trước đây ông chưa gửi gắm nhiều. Mong sẽ được đọc các tập thơ 4 câu tiếp theo của ông.
Tháng 9 năm 2012 

NGUYỄN DUY YÊN VÀ ĐỈNH CAO CỦA THƠ ÔNG

Ảnh: Internet
               LỜI BÌNH TẬP THƠ : "MUÔN NẺO ĐƯỜNG THƠ" CỦA
                                Nhà thơ Nguyễn Duy Yên
Nhà thơ BÙI VIỆT MỸ
Tổng biên tập báo Người Hà Nội

NGUYỄN DUY YÊN VÀ ĐỈNH CAO CỦA THƠ ÔNG

        Nhà thơ Nguyễn Duy Yên, đến nay đã có tới chục tập thơ in nghiêng và chung (hai người). Như thế cũng có nghĩa là thơ ông đã đủ trải nghiệm từ bạn đọc và từ nhiều phẩm bình của các cây bút vị thế.
Năm nay, với trên 150 bài - đều thơ 4 câu - nói lên sự nhuần nhị, chín đọng và tinh tường. Đọc, đọc nữa, cứ thấy sâu lắng, ý vị. Cái tứ được tạo dựng, chuyền đẩy bằng lối diễn đạt thông thường như người thợ có tay nghề cao.
        Không hạn định về bất cứ mặt nào, chiều nào của chủ đề hoặc không gian và thời gian. Vốn có đời sống từng trải, nhà thơ Nguyễn Duy Yên hầu như chỉ đặt tên cho các ý nghĩ, quan sát và suy luận... mà không còn đặt theo lối nêu địa danh, sự việc hay điểm mặt một cách thông thường. Lấy ý tưởng hay luận lý làm chủ đề (mà không phải là lấy tên gọi của một sự vật, hiện tượng ....) là lối viết ở cấp độ cao chứ không phải lấy chủ thể hiện diện trên một mặt bằng.
        Thơ ông có tính liên tưởng cao. Thường với hai câu đầu làm bình diện thứ nhất để nâng độ cao và kết đỉnh điểm ở hai câu sau. Cả bốn câu đều có độ kết dính liền mạch vừa đủ để thỏa mãn sự tiếp cận của bạn đọc.
"Khuya khoắt nhà ai vắng ánh đèn
Trăng luồn khe của chẳng cài then
Xóm ngheo, tĩnh mịch đơn sơ quá
Ôm chặt trăng vào giấc ngủ êm"
       Ở đây, cái khung cảnh tĩnh mịch và đơn giản kia nhất định phải hợp với sự rung động, đa cảm của người thơ, qua đó mà thể hiện tính đồng cảm của mình với con người nơi thôn dã.
       Ở một hoàn cảnh khác, nhà thơ bất chợt thấy vườn thu đang độ chín, cây vườn vàng rụng, chuyển sang một mùa đông lạnh. Khoảng thời gian ấy có lẽ đã làm con người nhận ra khoảng hoang vắng nhất trong lòng mình:
"Sáng nay lành lạnh thoáng hơi may
Thu đến, thu đi, ngày lại ngày
Người nhớ ta không, ta nhớ lắm
Vườn thu xào xạc lá thu bay"
       Và, ở một số bài thơ khác, tác giả không chỉ dành hai câu đầu để làm cớ nữa, tất cả hàm súc được rải đều ở cả bốn câu, thể hiện độ nén của tư tưởng, tình cảm cũng như nhằm cô đọng toàn bộ các liên tưởng mà lẽ ra cần phải được diễn giải ở nhiều câu thơ hơn.
"Xuân đi muộn để buồn vương trống trải
Vắng em rồi, lạnh buốt thấu tim gan
Tình chưa trả sao vội vàng đã dứt
Dù xuân tàn nhưng mãi mãi không tan"
        Cứ thế, mạch thơ khi thì được thể hiện ở nhịp 2 trên 4, khi thì ở nhịp 4 trên 4 tùy thuộc vào nội tâm của nhà thơ mỗi khi gặp một hiện tượng, một cử chỉ nào của người và vật. Song, điều quan trọng hơn là với trùm thơ hơn trăm bài ấy, chúng ta đọc, tiếp nối bởi những ý nghĩ thú vị như chính nhà thơ đã viết là "tình sông, bến nước, ngọn nguồn" chứ không phải chỉ đơn giản là thuyền và bến. Mạch thơ thoáng đạt, giàu hàm súc đã tương đồng làm nên chùm bài khá hay của nhà thơ. Xin trân trọng giới thiệu tập thơ cùng bạn đọc.
Thu Nhâm Thìn 2012

"CÒN ẤM HƠI MEN"...

Ảnh : Internet
                   LỜI BÌNH TẬP THƠ "MUÔN NẺO ĐƯỜNG THƠ" CỦA
                  nhà thơ Nguyễn Duy Yên.
Nhà thơ NGUYỄN SỸ ĐẠI
Phó chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội
Tổng biên tập báo Doanh nhân Việt Nam toàn cầu

CÒN ẤM HƠI MEN
        Xin được mượn một câu thơ của Nguyễn Duy Yên để nói về chính ông: "Rượu buồn còn ấm hơi men".
Hơi men ấy được ủ ấm như thế nào?
Trước hết, ấy chính là chữ "tình".
       "Đã ngoại tám mươi" mà Nguyễn Duy Yên tự nhận rằng mình "chửa biết già ", đã trải qua bao giông tố của nhịp đời hối hả, của "nghiêng ngả sóng đời" mà ông vẫn "chẳng biết say". Đọc thơ Nguyễn Duy Yên, người ta thấy một con người trầm tĩnh, suy tư cùng buồn vui thế sự, đôi lúc ông mang cái vẻ thầm trầm xa xót lẫn giễu nhại bông đùa của một cao nhân. Con người ấy thao thức vì vần xoay của nhân thế nhưng chỉ lặng lẽ "phiếm luận văn chương một tiếng khà". Con người ấy đối diện với cái rộng dài của không - thời gian và cái bất trắc, oan trái của cuộc đời bằng một thái độ gần như điềm tĩnh, vừa giàu trắc ẩn vừa bao dung:
"Thăng trầm bể khổ qua muôn kiếp
Thế giới bao la vũ trụ tình"
                    (Biển đời)
        Dù "nước non xanh" hay "gầm gào biển dữ", dù "đời bận rộn cuộc đua chen", dù thế sự "Vàng thau lẫn lộn", cuối cùng rồi cũng chỉ còn lại một chữ "tình". Một chữ "tình" trải dài và lan rộng, ngập tràn trong vũ trụ.
"Còn ấm hơi men" ? Ấy còn là một Nguyễn Duy Yên đượm giọng điệu hoài cổ.Nhiều câu thơ của ông đau đáu nỗi tiếc nhớ, buồn thương cho điều gì đó đã qua mà còn mãi vương vấn trong kí ức. Có khi là "một thời vương giả " của Mỹ Sơn, khi lại là "một thoáng hương xưa" mờ ảo, lấp lánh sắc chiêm bao. Và nhiều lúc là thời gian. Thời gian trở đi trở lại trong thơ Nguyễn Duy Yên như một nỗi ám ảnh:
"Hơn tám mươi xuân đã trải rồi"
                        (Cảnh già)
"Tuổi đời hỏi có bao nhiêu
Trăm năm thoáng chốc đã vèo bay đi"
                            (Tự hỏi)
"Thời gian là thế vô tình lắm 
Tính sổ mấy người sống quá trăm"
                               (Ôi! Thời gian)
"Bạn bè ngày một xa dần
Thưởng xuân còn được bao lần nữa đây?"
                             (Tự hỏi)
"Níu lấy thời gian ta với ta"
                            (Tự sự)
"Tờ lịch xé đi báo hết ngày
Xoay tròn quả đất một vòng quay"
                                (Thử thách)
        Ấy còn là một Nguyễn Duy Yên trong tình yêu. Nhiều bài thơ của ông trở nên trong sáng, trẻ trung đến bất ngờ, cũng bởi có tình yêu trong đó. Một cô gái má hồng lên bởi nắng, một bóng hồng xa vắng, một mối tình mãi không tan dù xuân đã tàn từ lâu, một người vợ thủy chung cùng nhau lập cuộc đời bắt đầu từ túp lều tranh ... Tình yêu khiến nhà thơ quên cả tuổi già, quên cả thời gian đã điểm bạc đôi mái đầu phong sương. Có vẻ như không phải là đề tài chính trong thơ ông, nhưng nếu thiếu tình yêu, thơ Nguyễn Duy Yên sẽ không thể nồng nàn hơi men, như chén rượu ngon mà thiếu chút sắc màu ấm áp.
         Và cuối cùng là duyên nợ với nàng thơ. Trong nhiều sáng tác, Nguyễn Duy Yên đề cao giá trị của thơ ca và khẳng định đó là chính là niềm "si mê" của mình . Sinh ra trong gia đình truyền thống khoa bảng, từ nhỏ ông đã biết yêu quý, trân trọng những giá trị của văn hóa, văn nghệ, trong đó đặc biệt là thi ca. Ông đã xuất bản nhiều tập thơ in chung và in riêng, song "Muôn nẻo đường thơ" là tập thơ đặc biệt của ông, bởi đây là tập những bài thơ bốn câu vừa ngắn gọn súc tích ,vừa thể hiện được phong cách của tác giả: giàu suy tư, trữ tình, sâu lắng, hoài cổ. Đó chính là hơi men được ủ ấm trong thơ Nguyễn Duy Yên, cái chất men khiến người ta say, người ta nhớ, người ta yêu....
                                                                                           Hà Nội, tháng 9 năm 2012


ĐỌC THƠ ANH
            
  "MUÔN NẺO ĐƯỜNG THƠ"


Nguyễn Du để lại cho đời
Chữ "Tâm" như một khoảng trời sáng trong
"Muôn nẻo đường thơ" khúc ca lòng
Ngọt ngào-Nhưng có bão giông tình đời.

         Em Nguyễn Dương Hùng 










Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

Tỉnh táo và cao ngạo....

Nhà thơ: Bằng Việt

LỜI BÌNH TẬP THƠ
" Muôn nẻo đường thơ" của Nguyễn Duy Yên 
(Nhà xuất bản Văn học 12-2012).

TỈNH TÁO VÀ CAO NGẠO - MỘT PHẨM CHẤT CỦA THƠ

Nhà thơ BẰNG VIỆT
Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội

       Nhà thơ Nguyễn Duy Yên vốn ít xuất hiện trước công chúng. Ông lặng lẽ và khiêm tốn trong công việc sáng tạo, nhưng ông không hề đứng ngoài mọi diễn biến của thơ ca và cuộc sống. Tập thơ "Muôn nẻo đường thơ" tuy chỉ hoàn toàn là những bài thơ bốn câu, dẫu là lục bát hay tứ tuyệt, nhưng thực sự là nhà thơ biết sử dụng hình thức thơ ngắn gọn và hàm xúc này để nói lên được biết bao điều rộng lớn và sâu sắc hơn rất nhiều so với dung lượng những câu thơ bị hạn chế về niêm luật và khuân khổ, lại không thể vượt quá nổi 4 dòng.
       Nhà thơ luôn luôn tỏ ra vẫn là người trong cuộc, đôi khi chỉ bằng một nét phác họa, ông cũng đủ cho chúng ta thấy thái độ và chủ kiến của mình với thực tiễn cuộc sống. Ví dụ, chúng ta thường hay diễu cợt thân phận "phó thường dân" của mình khi so cánh với các chức tước nhiều danh vọng trong đời, nhưng với Nguyễn Duy Yên, ông hoàn toàn có một cách lý giải khác, hóm hỉnh, tỉnh táo mà không kém phần cao ngạo:
"Làm dân mà sướng , sướng hơn quan
Tránh đẻ ra mình cái giống tham!
Lắm kẻ cúi luồn mua chức tước
Vàng thau lẫn lộn biết ai ngoan?"
       Dám nói như vậy, vì nhà thơ có một lý tưởng sống hết sức chủ động, bình tĩnh, không ỷ nại vào sự may rủi hay những sự đưa đẩy tình cờ của số phận. Ông cứ tự nhủ lòng là hãy biết sống cho trọn đạo vẹn tình, còn giàu hay nghèo , sướng hay khổ... không phải do Trời Phật hay cậy nhờ ai mang đến, mà trước tiên là do nỗ lực của chính bản thân mình, do mọi yếu tố chủ động mà mình tự tạo ra:
"Đã sinh ra kiếp con người 
Biết yêu ,biết ghét, biết cười, biết khinh
Sống sao trọn nghĩa vẹn tình
Khổ đau hãy tự hỏi mình: Tại sao?"
       Có được cách nghĩ ung dung tự tại đó đã là quý lắm, nhưng nhà thơ còn tỉnh táo hơn trong việc "Luận sự đời", rất rành rè , chua chát, mà vẫn không hề có dấu hiệu gì ghen tức, cay cú, trái lại, coi như một chuyện đương nhiên, nhỡn tiền:
"Lận đận đi tìm thấy thú chơi
Được thua toan tính ván cờ đời
Xe xe ngựa ngựa đành trơ mắt
Nhường lại tốt nhèm nhảy chiếm ngôi"
        Tác giả có được cái nhìn tỉnh táo và cao ngạo đó, vì thực ra, ông nhìn đời bằng con mắt của người đã từng trải, cũng có phần nhuốm triết lý Lão Trang:
"Biết ai tỉnh, biết ai say
Ngọt bùi thì ít, đắng cay thì nhiều
Tuổi đơi, hỏi có bao nhiêu?
Trăm năm thoáng chốc đã vèo bay đi"
        Nhìn những phế tích như Mỹ Sơn, ngẫm việc đời dâu bể, giống như tâm trạng nhiều nhà thơ cổ điển, tác giả không thể không thốt lên tiếng thở dài ngậm ngùi:
"Một thời vương giả biết ai hay
Rừng núi âm u ngấn lệ đầy 
Điện ngọc ngai vàng thành phế tích 
Điêu tàn đổ nát dấu còn đây"
       Đã "ngộ" về thân phận con người trong lịch sử đến thế, nhưng điều luôn luôn dám tự vượt qua khỏi tâm lý trì trệ, bi quan là một điểm mạnh và một điểm sáng trong thơ Nguyễn Duy Yên. Nhà thơ luôn nhắc biểu tượng về sự "say đời":
"Say ngẫm sự đời thế mới hay 
Say quên danh lợi giữa đời này
Say tình, say nghĩa, say chân lý
Say dở, say gàn chớ có say!"
        Từ những ngậm ngùi xa xưa, chỉ giây phút sau, nhà thơ đã lại bình tĩnh và tỉnh táo trở lại với đời thường, với giọng thơ còn có phần hóm hỉnh, hoạt kê.
        Với những gì "đốn ngộ" ra trong đời, quá thực, việc tìm được người bạn tri kỷ tri âm trong đời cũng là cả một vấn đề không dễ gì:
"Pha ấm trà ngon mời đón khách
Không duyên không  nợ thế mà vui
Một đời săn đuổi đi tìm bạn
Tri kỷ xem ra được mấy người"
       Tìm được người tri kỷ với mình cũng như người tri kỷ trong thơ đều khó:
"Sông văn chảy cuốn theo dòng
Đường ra biển cả mênh mông nước trời 
Viết câu thơ để lại đời
Tìm vàng đãi cát ai người biết chăng?"
       Thơ thứ thiệt, phải "đãi cát tìm vàng " mới có được thì khó thế, nhưng thơ lạm phát như trong thời buổi hôm nay thì lại quá thừa. Không phải là không có một chút khinh bạc khi nhà thơ phải thốt lên đầy ngao ngán:
"Nhà thơ sao lắm thế, giời ơi!
Thơ nhả tùm lum cóc vái trời 
Thiên hạ tha hồ ăn chữ nghĩa
No rồi, chướng bụng, vái xin thôi!"
      Và thứ thơ "ngộ chữ " đầy ngộ nhận này cũng bị tác giả lên án mạnh mẽ:
"Đọc kỹ tập thơ chẳng hiểu gì 
Lằng nhằng triết lý cái chi chi
Ngờ rằng ngộ chữ lòe thiên hạ
Đại bịp thành danh thế mới kỳ!"
       Nhà thơ tuy đã là một cây bút lớn tuổi , nhưng thực sự rất "dấn thân " vào với những hiện tượng của thời sự văn học, và thực sự có một lập trường đanh thép trước những trang viết giả tạo, sáo đội lông công, mượn màu đổi mới, cách tân, độc đáo hoặc triết lý rối mù ... để lừa bịp thiên hạ. Những nhận xét của Nguyễn Duy Yên tuy ngắn gọn nhưng rất sắc sảo và kịp thời  với phong trào thơ hôm nay.
       Hơn 150 bài thơ gọn ghẽ và nhiều tâm sự riêng của nhà thơ Nguyễn Duy Yên cứ tưng tửng như thế mà mở rộng ra các vấn đề xã hội, các cung bậc  thấp cao của đời sống con người hôm nay . Tình cảm riêng được nhà thơ gắn nhuần nhuyễn với các suy tư chung; phong cách cổ điển nhẹ nhàng được gài thêm vào chất hài hước hoạt kê dí dỏm; sự đằm thắm trong tình yêu con người, được bổ sùn thêm các khía cạnh phê phán sắc sảo mọi thói hư tật xấu xã hội.... Xin chân thành chúc mừng nhà thơ và trân trọng giới thiệu  với bạn đọc một tiếng thơ, tuy có vẻ như còn thầm lặng, nhưng lại có một phẩm chất , theo tôi, là cần thiết cho thơ hôm nay, đó là sự tỉnh táo trong vẻ cao ngạo, và sự cao ngạo ẩn mình trong các suy nghĩ tỉnh táo. Đó chính là ưu điểm mà tập thơ 4 câu "Muôn nẻo đường thơ " của  nhà thơ Nguyễn Duy Yên đã tìm được đường tiếp cận tới tình cảm và suy tư của độc giả.


Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

NHỚ DUẬT (Kim Vân)

                                                                        Ảnh Internet

                                             NHỚ DUẬT*

                                           Vắng bóng năm năm khỏi cõi đời
                                           Xe băng không kính bụi mù khơi
                                           Hai đầu nỗi nhớ Trường Sơn ấy
                                           Sao nỡ dứt tình bỏ cuộc chơi?

                                                                 Đoàn Kim Vân

                                          * Tưởng nhớ nhà thơ Phạm tiến Duật năm năm đã đi xa
                                             (4-12 2007 / 4-12-2012).
                                             Nhà thơ đã viết lời bình tập thơ "Chân trời mới" với lời
                                             tựa "Thơ ca phản chiếu hồn người" và tập thơ "Biển đời"
                                             với lời bình "Cặp song ca hai thế kỷ" thơ của vợ chồng
                                              Nguyễn Duy Yên Đoàn Kim Vân.