CÁC TÁC PHẨM CHÍNH

  • TIẾNG LÒNG, in chung, NXB Văn hóa - Thông tin,1997
  • DẶM ĐỜI, in chung, NXB Văn học, 2001
  • CHÂN TRỜI MỚI, in chung, NXB Văn học, 2003
  • BIỂN ĐỜI, in chung, NXB Văn học, 2008
  • TUYỂN TẬP THƠ, in chung, NXB Văn học, 2010
  • MÊNH MANG... XUÂN, Nguyễn Duy Yên, NXB Văn học, 2009
  • MỘT THOÁNG HƯƠNG XƯA, Nguyễn Duy Yên, NXB Hội Nhà Văn, 2010
  • NGƯỢC DÒNG THỜI GIAN, Đoàn Kim Vân, NXB Văn học, 2008
  • MÙA HOA NHÃN, Đoàn Kim Vân, NXB Văn học, 2010
  • MUÔN NẺO ĐƯỜNG THƠ, Nguyễn Duy Yên, NXB Văn học, 2012
  • TÂM HỒN TÔI, Đoàn Kim Vân, NXB Văn học, 2003

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

CẢM ĐỀ TẬP THƠ BIỂN ĐỜI (PTD)

Cảm đề Tập thơ BIỂN ĐỜI của hai nhà thơ:
Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân.
Bài viết của nhà thơ PHẠM TIẾN DUẬT.
          Những ngày đón xuân 2002.

                                                             THƠ CA PHẢN CHIẾU HỒN NGƯỜI
                                                                          Nhà thơ: Phạm Tiến Duật

    Ở cổng làng Song Tháp, xã Châu Khê, huyện Từ Sơn (nay là huyện Từ Sơn,tỉnh Bắc Ninh)có đề bốn chữ Hán"Xuất nhập tương phản"chữ ít , nhưng nghĩa thì nhiều.Nếu là người ra vào làng ấy thì hiểu là"Khi ra khi vào phải nhìn mặt nhau".Nếu là thơ ca thì phải hiểu người làm thơ nhập cái gì vào thì xuất ra cái ấy.Đó cái lẽ lớn của sự làm người, không chỉ đúng với một thôn làng Việt Nam mà đúng với mọi trường hợp.Đọc thơ của anh Nguyễn Duy Yên và chị Đoàn Kim Vân, bất giác tôi nhớ đến mấy chữ uyên bác của vùng đất Bắc Từ Sơn kia.
    Cặp song ca bằng thơ Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân đã cất lên tiếng ca bằng vần từ nhiều thập niên nay, thế mà họ vẫn chưa già, Nguyễn Công Trứ nhà thơ tình, nhà khoa học nông nghiệp thế kỷ 19 , năm 73 tuổi vẫn còn yêu đương sôi nổi kia mà; "Tân nhân lục vấn lai niên kỷ,Ngũ thập niên tiền nhị thập tam"(Người vợ mới cười hỏi rằng (ông) bao nhiêu tuổi (đáp rằng).Cách đây 50 năm tôi 23). Nhà văn hào thiên tài nước Đức Gơt tơ, năm tròn 80 tuổi còn yêu sôi nổi một cô con gái 18 tuổi.Xem thế, với thơ làm gì có tuổi già.
   Thì hãy đọc Nguyễn Duy Yên :
                                                     Quê người rồi cứ đêm đêm
                                              Lệ nhòa đôi mắt con tim rối bời
                                                     Thuyền tình rẽ sóng ra khơi
                                              Mênh mông mặt nước chân trời: Về đâu?
                                                                           (Đôi mắt nàng Kiều )
    Thơ thế thì đâu có phân biệt tuổi tác.Viết về một cô lái đò trên sông, Nguyễn Duy Yên viết: " Đò em đưa khách qua sông/ Thuyền vừa ghé bến mà lòng thấy xa/ Ngày ngày bao chuyến đò qua/ Người đi để nhớ chắc là tơ duyên". Hai chữ "chắc là" rất ỡm ờ. Phải có tâm hồn trẻ trung lắm mới ỡm ờ được. Một lần khác khi qua đèo Hải Vân, Nguyễn Duy Yên hạ bút "Cao cao gió lộng mây chiều / Nhớ ai, ai nhớ, ai gieo nỗi buồn", người đọc thấy tác giả đã phát triển nhạc điệu của hai dòng ca dao "Nhớ ai ra ngẩn  vào ngơ / Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai",nhưng Nguyễn Duy Yên không chỉ nhớ mà còn gieo nỗi buồn man mác của sự xa cách.
   Còn nữ sĩ Đoàn Kim Vân thì viết trong bài "Bản nhạc ra đời" những câu thơ nóng bỏng :
                      Em thân yêu :Sức mạnh trong em như ngọn sóng
                      Xô vào bờ, bao rác rưởi sẽ tan đi
                      Ngón tay em có sức mạnh thần kỳ
                      Như cơn lốc cuốn hút anh tới vùng xa lạ.
    Trái tim ấy là rất trẻ trung. Ở một bài khác mà tác giả có chú thích là "trêu một nhà thơ hàng xóm" chị viết : "Trầu cau thì dễ làm quen / Hoa kia thắm nụ con tim đợi chờ/ Mượn tình qua mấy vần thơ/ Gửi sang bên ấy giấc mơ vườn hồng".Những vần thơ ấy đậm tình nhân thế mà vẫn lưu dấu vết tháng ngày của quê hương thôn làng Việt Nam . Đoàn Kim Vân còn có riêng một bài thơ Yêu , không biết chị có định ghẹo Xuân Diệu không, nhưng sự đa cảm và lòng lãng mạn thi cũng ngang bằng :
                      Cắt nghĩa làm sao một chữ yêu
                       Tàn nắng buồn vui lúc xế chiều
                       Thơ thẩn thả hồn trong khoảng trống
                       Mà lòng mơ tưởng bóng ai theo.
   Ấy chỉ là những ví dụ. Bạn đọc có thể lần theo từng bài thơ của hai tác giả để thấy tôi dùng chữ Cặp song ca thế kỷ bằng thơ là rất chuẩn xác. Ở các tập thơ trước, anh chị Yên, Vân đã cho công bố các bài thơ tình
mà hai người đã trao cho nhau từ thuở thanh xuân. Tập thơ này có khác. Đây là cảm nhận của hai tác giả trước xã hội rộng lớn khi đất nước sang trang từ thế kỷ 20 chuyển sang thế kỷ 21.
   Đề tài của tập thơ này bao quát rất rộng. Về thời gian gặp gỡ lại tuổi thơ, cảm xúc lại lịch sử,bao quát lại một thời chiến tranh. Về không gian người đọc bắt gặp một thoáng Hải Vân, một chiều sông Hương xứ Huế,một mảnh đất Điên Biên anh hùng năm xưa...Chính vì lẽ trang nghiêm ấy mà các quan sát xã hội và lịch sử ở tập này được các tác giả quan tâm hơn các tập trước.
   Cũng là song ca, nhưng giọng ca của anh Nguyễn Duy Yên thì mộc mạc một cách trang nghiêm, mà giọng chị, nữ sĩ Đoàn Kim Vân thì mượt mà bay bướm. Thế là một giọng trầm và một giọng cao hòa quyện làm nên một bản trường ca cho tình đời mãi sinh sôi mọi sự tốt đẹp.
   Thơ tức là người, Mácxim Gooc ki nói thế. Và nói như bốn chữ uyên bác ở cổng làng Song Tháp XUẤT NHẬP TƯƠNG PHẢN cũng chẳng cùng một nghĩa đó sao? Mà tại sao cái làng ấy ở phủ Từ Sơn lại gọi là Song Tháp?Thì ở Hà nội có Công Ty  làm nghề thủ công cao cấp MỸ HÀ cũng có một Song Tháp đấy thôi, một tháp thơ tên là Nguyễn Duy Yên và một tháp kia là Đoàn Kim Vân.
  Chúc cho song tháp thơ ca mãi mãi xuất nhập tương đồng.

                                                                            Những ngày đón xuân 2003

                                                                            Nhà thơ : Phạm Tiến Duật

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét