Ảnh Internet |
Nhà giáo Dương Thanh Thúy
Giáo viên Tường Chu Văn An - Hà Nội
Khi Nguyễn Trãi làm thơ đánh giặc
Nguyễn Du viết Kiều đất nước đã thành văn
(Tố Hữu)Chúng ta nhắc tới Nguyễn Trãi là nói tới một vị anh hùng dân tộc, một người làm nên sự nghiệp "bình Ngô", một người thảo Bình Ngô đại cáo, một áng "thiên cổ hùng văn".
Tôi đã được giảng dạy thơ văn Nguyễn Trãi mấy chục năm, hay nói cách khác mình được gắn với nhà thơ tài năng, đức độ trong suốt cả cuộc đời dạy học. Nên khi đọc bài thơ Thăm Côn Sơn của bà Đoàn Thị Kim Vân tôi thấy lòng mình xốn xang, nhớ về quá khứ một thời của lịch sử vừa hùng, vừa bi.
Mở đầu bài thơ, bà viết:
Ước nguyện từ lâu đến viếng thăm
Sao khuê Nguyễn Trãi bậc công thần
Hai câu vào đề của bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật đã đem đến cho người đọc một tình cảm, một sự nhận định về một vị anh hùng dân tộc. Là nhà giáo ở Trường Chu Văn An đã được đến Côn Sơn nhiều lần, mỗi lần tôi lại có những cảm xúc khác nhau.Nhà thơ Đoàn Kim Vân là một nhà doanh nghiệp giỏi ở đất Hà thành, có thể bận với công việc kinh doanh nên chưa có dịp đến Côn Sơn, song cũng có thể bà có những tình cảm giống của chúng tôi, tuy đã đến Côn Sơn mà vẫn ao ước có dịp đến thăm lại. Bởi nơi đây đã ghi đậm dấu ấn lịch dân tộc anh hùng Nguyễn Trãi.
Côn Sơn đẹp và yên tĩnh ,với ngôi đền cổ kính ở trên khu đồi cao, có rừng thông vi vút, có tiếng suối reo róc rách hòa với tiếng chim kêu thánh thót, tạo nên một phong cảnh hữu tình.
Chúng ta đọc tiếp hai câu thơ:
Rừng thông vi vút soi vầng nguyệt
Núi Trúc lao xao đón gió ngàn
Nghệ thuật đối câu, đối ý, đối lời, đối hình khá nổi bật. Ta tới Côn Sơn vẳng nghe như đâu đây hồn thơ Nguyễn Trãi phảng phất giữa núi biếc, trăng ngàn. Câu thơ chỉ ít chữ mà bao hàm nhiều ý sâu xa, ta tự hào về Nguyễn Trãi bao nhiêu, chúng ta càng thêm cảm thương bấy nhiêu:
Lệ Chi viên để lụy bậc thiên tài
Hận anh hùng nước biển Đông cũng không rửa sạch.
Bà Đoàn Kim Vân cũng có câu thơ :
Vườn vải xa đưa lời oán hận
Bình Ngô vọng lại áng hùng văn
Nỗi oan khiên của Nguyễn Trãi là nỗi đau của dân tộc, có lẽ bởi cái "ghen", cái "tị hiềm" của vua quan dưới chế độ phong kiến, mà Nguyễn Trãi lại là người đức độ, tài cao, rất mực trung thành, không ưa những kẻ xu nịnh, thì khó tránh khỏi lưỡi gươm oan nghiệt của kẻ gian thần.Đến hai câu kết:
Phù Lê một dạ đền ơn nước
Bia tạc muôn đời sáng cõi Nam
Nguyễn Trãi là một vị anh hùng dân tộc, một người đã một lòng, một dạ Phù Lê để giành lại độc lập, cứu cho non sông đất nước thoát khỏi ách thống trị của kẻ thù tàn bạo.Nơi đây đã chứng kiến những giờ phút lịch sử Bác Hồ đến thăm Côn Sơn, người đã trầm ngâm đọc tấm bia ghi lại công lao to lớn của Nguyễn Trãi, nơi đã diễn ra cuộc gặp gỡ giữa hai vị anh hùng dân tộc với khoảng cách ngót 600 năm.
Trải qua năm tháng của thời gian ,với bao biến thiên của lịch sử, Côn Sơn vẫn nặng lẽ, trầm tư tồn tại giữa đất trời .
Đây hồn thiêng sông núi sẽ còn vọng lại mãi mai sau, một di tích lịch sử ,một danh nam thắng cảnh, xứng đáng để đời đời chiêm ngưỡng.
Tập thơ Biển đời nội dung rất phong phú, đa dạng, chứa đựng một số bài thơ hay. Song tôi chỉ dẫn ra một bài thơ Thăm Côn Sơn vì bài này gợi cho tôi nhiều cảm xúc, chính bà Kim Vân đã nói hộ tôi những điều mà tôi muốn nói.
Biển đời vô cùng sâu rộng, chúng ta đang đi giữa biển đời, cái mênh mông khắc nghiệt ấy, chứa đựng bao nhiêu ẩn số mà ta cần giải đáp.
Gấp lại tập thơ Biển đời của hai nhà thơ Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân, tôi thấy bâng khuâng, man mác tình đời, sâu nặng triết lí về nhân tình thế thái ....
Âu là cái nghiệp văn chương thường hay thả tâm hồn bay bổng, mong ước của con người sống chung thủy, lấy nhân đức làm lẽ sống.
Ngày đầu xuân Đinh Hợi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét