CÁC TÁC PHẨM CHÍNH

  • TIẾNG LÒNG, in chung, NXB Văn hóa - Thông tin,1997
  • DẶM ĐỜI, in chung, NXB Văn học, 2001
  • CHÂN TRỜI MỚI, in chung, NXB Văn học, 2003
  • BIỂN ĐỜI, in chung, NXB Văn học, 2008
  • TUYỂN TẬP THƠ, in chung, NXB Văn học, 2010
  • MÊNH MANG... XUÂN, Nguyễn Duy Yên, NXB Văn học, 2009
  • MỘT THOÁNG HƯƠNG XƯA, Nguyễn Duy Yên, NXB Hội Nhà Văn, 2010
  • NGƯỢC DÒNG THỜI GIAN, Đoàn Kim Vân, NXB Văn học, 2008
  • MÙA HOA NHÃN, Đoàn Kim Vân, NXB Văn học, 2010
  • MUÔN NẺO ĐƯỜNG THƠ, Nguyễn Duy Yên, NXB Văn học, 2012
  • TÂM HỒN TÔI, Đoàn Kim Vân, NXB Văn học, 2003

Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2013

ĐỂ CÓ NHỮNG BÀI THƠ DỊCH ĐÚNG VÀ HAY


ĐỂ CÓ NHỮNG BÀI THƠ DỊCH ĐÚNG VÀ HAY
Nguyễn Duy Yên

      Dịch thơ là một vấn đề khó. Dịch thơ không phải là dịch nghĩa bài thơ. Dịch thơ là dịch một bài thơ từ ngôn ngữ này ra ngôn ngữ khác. Bởi vậy muốn dịch thơ trước hết phải là người biết làm thơ. Thông thạo ngôn ngữ của dân tộc mình, thông thạo luật lệ các thể loại thơ của mỗi nước. Nếu không thành thạo nhuần nhuyễn tiếng nói của dân tộc mình, không biết và hiểu các thể loại thơ thì chúng ta không thể dịch được thơ.
      Trong dịch thơ có hai tiêu chuẩn được coi trọng ngang nhau là dịch cho đúng và dịch cho hay. Dịch cho đúng một bài thơ, không phải là sát nghĩa từng chữ từng câu mà cần đúng với tinh thần bài thơ, nói được hồn của bài thơ. Dịch cho hay một bài thơ là làm sao bản dịch rung động trước người đọc, khi đọc nguyên tác bài thơ rung động thì khi đọc bản dịch cũng rung động như thế. Nếu dịch không đúng thì có thể phản lại ý tưởng của tác giả, nếu dịch không hay thì không có gì quyến rũ được người đọc.
      Bởi vậy muốn dịch cho đúng và cho hay bài thơ mình định dịch thì trước hết ta phải đọc kỹ bài thơ, xem tác giả muốn nói gì về đất nước, con người, về tâm tư tình cảm của tác giả. Ví dụ bài thơ "Việt nữ từ" của Lý Bạch có 4 câu:
"Da Khê thái liên nữ
Kiến khách trạo ca hồi
Tiếu nhập hà hoa khứ
Dương tu bất xuất lai"
      Ta phải tìm hiểu xuất xứ của bài thơ. Đây là bài thơ Lý Bạch làm khi đi vãn cảnh hồ Da Khê. Người con gái hái sen thấy khách đến thì thẹn thùng, quay thuyền về, nấp dưới lá sen không giám bước lên bờ. Thế thì phải dịch như Khương Hữu Dụng:
Gái Da Khê hái sen
Thấy khách hát quay thuyền
Cười lấp vào sen lánh
Thẹn thò chẳng bước lên.
      Người con gái hái sen thấy khách, hát quay thuyền và thẹn thùng nấp vào sen lánh mặt, chẳng dám bước lên, chứ không phải một số người đã hiểu lầm là Lý Bạch hát quay thuyền. Có hiểu xuất xứ bài thơ mình định dịch thì mới tránh được dịch sai nội dung bài thơ. Chính không tìm hiểu xuất xứ bài thơ nên dịch giả Vương Tử Ba đã dịch sai bài thơ "Demain des 1' aube" của Victor Hugo.
      Victor Hugo có người con gái là Leospoldine Hugo đã cùng chồng chết ở Villequier ngày 4/9/1843. Bốn năm sau ngày 4/9/1847, Victor Hugo đi thăm mộ con và làm bài thơ "Demain des 1'aube" vào ngày 3/9/1847, tức trước ngày người con gái của tác giả mất. Do đó bài thơ mới mang đầu đề là "Ngày mai, từ lúc rạng đông". Chính vì người dịch chưa hiểu xuất xứ của bài thơ nên đã dịch là: "Victor Hugo đi thăm mộ người yêu". Thật là một sai lầm tai hại!
      Lại nói thêm về dịch thơ Việt ra thơ Pháp. Bác Hồ có bài thơ "Cảnh khuya"
"Tiếng suối trong như tiếng hát xa 
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ 
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà"
      Câu thơ "Cảnh khuya như vẽ Người chưa ngủ", ý Bác Hồ nói cảnh khuya như vẽ, nhưng không phải cảnh khuya đẹp mà Bác chưa ngủ, mà Bác chưa ngủ, mà Bác chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà. Nhưng dịch giả Phạm Nguyên Phẩm lại hiểu sai ý câu thơ đó nên trong tập thơ Hồ Chí Minh (NXB Hội nhà văn, 1/2005), đã dịch là "La nuit brosse un tableau d'homme mal endormi". Dịch như thế là sai ý câu thơ của Bác Hồ. Sao lại cảnh khuya vẽ người chưa ngủ? Cho nên dịch thơ ta cần phải đọc kỹ bài thơ, đọc kỹ câu thơ để thấu hiểu ý tứ bài thơ thì mới mong tránh khỏi sai lầm.
       Trên đây, tôi nói muốn dịch thơ cho đúng, ta phải nghiên cứu kỹ câu thơ, ý bài thơ, phải hiểu được xuất xứ của bài thơ thì ta mới dịch được đúng bài thơ mình chọn dịch.
       Còn tiêu chuẩn thứ hai là dịch cho hay một bài thơ thì tôi nghĩ như thế này. Dịch thơ mà dịch sát nghĩa từng chữ (mot à mot) từng câu như một số người đã bảo vệ ý riêng của mình, thì dịch thơ làm sao hay được.
Dịch cho hay là làm sao khi dịch bài thơ người ta đọc thấy bản dịch rung động trong lòng như khi đọc nguyên tác. Chẳng hạn ta đọc bài thơ dịch "Sonnet d' Arvers" của Khái Hưng, ta thấy rất hay vì bản dịch đã lột tả được tâm hồn bài thơ. Bản dịch bài thơ của Khái Hưng như sau:
"Lòng ta chôn một khối tình
Tình trong giây phút mà thành thiên thâu
Tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu
Mà người gieo thảm như hầu không hay

Hỡi ôi! Người đấy ta đây
Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân
Dầu ta đi trọn đường trần
Nỗi riêng há dám một lần hé môi

Người dù ngọc nói hoa cười
Nhìn ta như thể nhìn người không quen
Đường đời lặng lẽ bước tiên
Ngờ đâu chân đạp lên trên khối tình

Một niềm tiết liệt, đoan trinh
Xem thơ nào có biết mình ở trong
Lạnh lùng lòng sẽ hỏi lòng
Người đâu tả ở mấy dòng thơ đây"
      Những bài thơ hay hoặc dịch hay đều sống mãi trong lòng chúng ta.
      Lại nói đến bài "Hoàng Hạc lâu" của Thôi Hiệu mà Tản Đà đã dịch:
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ
Hạc vàng đi mất từ xưa
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay
Hán Dương sông tạnh cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
      Bài thơ dịch Hoàng Hạc lâu của Tản Đà từ khi ra đời đến nay được đánh giá rất cao.
Dư luận trong văn học nhất trí cho rằng chưa có bài thơ dịch nào vượt được. Tôi còn nhớ khi báo "Ngày nay" giới thiệu bài Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu và bài dịch của Tản Đà, tòa soạn có lời nói đầu ngắn gọn nhưng trang trọng. Sau này năm 1992 NXB Giáo dục có in tập "Thơ Việt Nam 1930-1945" nhà phê bình Văn Tâm khi viết về Tản Đà, ngoài những bài thơ sáng tác của ông coi bài dịch Hoàng Hạc lâu như một bài sáng tác.
      Ta có thể nói trong 8 câu thơ dịch của Tản Đà câu nào cũng gợi ra sự xôn xao rung động của người dịch. Hai câu đầu khi Thôi Hiệu chỉ mở ra cánh cửa lầu Hoàng Hạc, khi chim bay đi thì Tản Đà đã có những chữ đầy luyến tiếc như "đi đâu", "còn trơ"...Đến câu 3-4 là hai câu đặc sắc nhất của Thôi Hiệu thì hai câu dịch của Tản Đà không kém gì nguyên tác
Hạc vàng đi mất từ xưa
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay
      Đến hai câu 5-6 tả cảnh sông nước xung quanh, Tản Đà đã có những chữ đưa đẩy rất duyên dáng như "sông tạnh cây bày", "xanh dày cỏ non". Đến hai câu 7-8, câu thơ dịch của Tản Đà vẫn chứa chan luyến tiếc "khuất bóng hoàng hôn", "cho buồn lòng ai"
       Bài thơ dịch của Tản Đà đã làm vui lòng bạn đọc. Trong việc dịch thơ ở nước ta không phải chỉ riêng Tản Đà dịch được thanh thoát, mà cha ông chúng ta cũng có rất nhiều bài thơ dịch hay, như bà Đoàn Thị Điểm dịch "Chinh phụ ngâm" của Đặng Trần Côn, Phan Huy Ích dịch bài"Tỳ bà hành" của Bạch Cư Dị ...
       Nói tóm lại, dịch thơ là một sáng tạo nghệ thuật, phải lột tả được cái hồn của những bài thơ mình chọn dịch. Dịch ngược hay dịch xuôi đều phải làm được như thế mới mong chinh phục được người đọc.
Trích trong tập "Bàn Về Quan Điểm Dịch Thơ" - Nhà xuất bản Hội nhà văn 7/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét