TỪ THƠ ĐẾN CA
Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân
Theo bước người xưa, ta vẫn hằng quen gọi: thơ ca. Suy ngẫm thêm mới thấy tầm sâu sắc và chí lý của cách nói đó: Thơ ca là một từ ghép gồm hai loại hình nghệ thuật - thơ thuộc loại hình nghệ thuật văn chương, và ca thuộc loại hình nghệ thuật âm nhạc. Song chúng lại có một mối quan hệ gắn bó mật thiết đến mức khi ghép lại để thành một từ ngữ với tính cách là một danh từ thì mọi người đều thấy đấy là hiển nhiên, hiển nhiên theo nghĩa: đó là một loại thể thuộc loại hình nghệ thuật văn chương - thơ ca. Từ "ca" trong từ ghép "thơ ca" bị coi như là một từ đệm mang sắc thái tu từ.
Hóa ra, không phải thế! Từ ngọn nguồn lịch sử mang tính truyền thống của nền văn hóa - nghệ thuật Việt Nam, thơ thường là khởi nguồn của ca. Chỉ với một loại thể thơ lục bát, cha ông ta đã có thể ca theo rất nhiều làn điệu. Nhìn rộng hơn, mọi loại thể thơ dân gian cổ truyền đều có thể ca lên, hát lên theo một làn điệu, hoặc nhiều làn điệu nào đó. Và trên dặm dài lịch sử, ca cứ phải xuất phát từ bệ phóng thơ để cất cánh bay vào vũ trụ âm nhạc bao la của mình để tìm cuộc sống cho riêng mình. Rồi dần dần, cũng tìm ra được cái riêng mình (trong dân nhạc, nhạc lễ, nhạc cung đình ...). Tuy nhiên, nhìn kỹ lại trong vốn âm nhạc cổ truyền thuần túy (không lời) vẫn thấy thấp thoáng, lúc ẩn lúc hiện, hình bóng của thơ - mà rõ nhất là tư duy sáng tác âm nhạc.
Với trào lưu tân nhạc xuất hiện từ năm 1930, dường như có một cuộc chia tay giữa thơ và ca - nhạc sĩ sáng tác kiêm nhiệm luôn cả công việc soạn ca từ (dĩ nhiên vẫn có những nhạc sĩ phổ thơ - thơ dân gian và cả thơ mới). Bởi lẽ, với trào lưu tân nhạc, chịu ảnh hưởng của cách thức tư duy sáng tác và thi pháp âm nhạc của phương Tây, ca từ thường đến sau âm nhạc. Âm nhạc cách mạng và kháng chiến (nhất là trong cuộc kháng chiến chống Pháp) cũng đi theo đường hướng đó. Song mối liên hệ bên trong giữa thơ và ca vẫn là mối duyên nợ không thể nào - và không tài nào - dứt bỏ được. Phổ thơ với nhiều dạng thức (Phỏng thơ, dựa theo ý thơ, trích thơ ...) đang trở thành hiện tượng phổ biến, nhất là với loại thể ca khúc nghệ thuật, ca khúc trữ tình. Và cũng xin nói luôn ở đây rằng, trào lưu nhạc trẻ hiện nay đang có xu hướng chia tách giữa thơ và ca.
Luận bản đúng sai, phải trái của xu hướng chia tách thơ và ca, có lẽ phải dành dịp khác. Song có thể khẳng định rằng: đưa ca về với thơ, kết nối duyên tơ giữa thơ và nhạc là con đường hoàn toàn đúng đắn. Đúng đắn không phải vì cứ cái gì người xưa đã làm thì người nay cứ thế mà làm theo! Đúng đắn, bởi vì giữa thơ và ca có một mối liên hệ bên trong như đã nêu trên, nói rõ hơn cả hai đều cùng chung một phương thức phản ánh cuộc sống: trữ tình, nghĩa là trong thơ và ca (nhạc) ở đây, nghệ sĩ - tác giả không dừng lại hoặc thông qua miêu tả, tường thuật, tự sự, mà trực tiếp bày tỏ, bộc lộ, biểu hiện ... những cảm xúc và cảm nhận của mình trước thế giới hiện thực khách quan với vô vàn sắc thái cũng như cung bậc về tình cảm. Một bài thơ trước hết phải chứa đựng - hoặc ít ra là ẩn chứa - điều đó! Một bài ca, bài hát, một ca khúc dài hoặc ngắn, càng không thể thiếu điều đó! Một đằng (thơ), là những tiếng lòng sâu thẳm được chuyển tải bằng ngôn ngữ. Một đằng (ca và nhạc) là những nhịp đập thầm kín của con tim được vỗ cánh trên những dòng âm thanh.
Chính vì lẽ đó mà ba tập thơ của Đoàn Kim Vân và Nguyễn Duy Yên (Tiếng lòng, Dặm đời và Chân trời mới) lần lượt được xuất bản trong vòng mười năm gần đây - đã lọt vào mắt xanh của rất nhiều nhạc sĩ tài danh. Có những nhạc sĩ mới phổ một bài như: Phú Ân, Hồng Đăng, Đoàn Bổng, Trung Hiếu, Quốc Lâm, Đăng Toàn.... Lại có nhạc sĩ phổ vài ba bài hoặc nhiều hơn như: Trần Hoàn, Huy Du, Nguyễn Đức Toàn, Hồ Bắc, Trọng Bằng, Huy Thục, Thuận Yến, Văn Dung, La Thăng, Thanh Hà, Trần Đức (ngoài những bài phổ thơ còn có một ca khúc tặng riêng hai tác giả thơ: Cảm tác cùng Duy Yên - Kim Vân của nhạc sĩ Dân Huyền và những bản nhạc phổ thơ hai tác giả của một số nhạc sĩ đề tặng như: Huy Thục, La Thăng, Lê Thọ, Nguyễn Tiến, Nguyễn Đăng Tài, Thúy Nga, Hoàng My...)
Cũng có thể có người nghĩ rằng việc nhiều bài thơ của Đoàn Kim Vân và Nguyễn Duy Yên được chọn để phổ nhạc là do quan hệ rộng rãi và chân tình của hai tác giả với giới sáng tác âm nhạc. Cứ cho là như thế đi. Song đã có nhiều tập thơ được ấn hành, chủ yếu là để tặng bạn bè, mà sao lại ít lọt vào mắt xanh của nhạc sĩ?
Trước hết, có lẽ nên xóa bỏ một cách nhìn về việc xuất hiện nhiều tập thơ, tập nhạc của một tác giả trong những năm tháng gần đây, theo cách nhìn đó, hiện tượng vừa nêu trên được đánh giá như là một nạn "lạm phát thơ", "lạm phát nhạc"....và còn nữa: "lạm phát tranh", "lạm phát tượng", "lạm phát triển lãm","lạm phát album ca nhạc" ....
Ô hay! thế ra việc sáng tác nghệ thuật chỉ là thứ dành riêng cho một vài người nào đó sao? Thử hỏi, trước khi trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng, anh (chị) có trải qua những bước chập chững ghép vần, ghép điệu, ghép nốt, ghép âm...không? Anh chị đều là thần đồng Moda cả chăng? Anh và chị đều như Thánh Gióng, sinh ra rồi vụt lớn, rồi nghiễm nhiên trở thành nghệ sĩ tài năng hay sao?
Nên mừng về hiện tượng vừa nêu trên, vì nó nói nên mức độ trưởng thành và phát triển của dân trí Việt Nam thời hiện đại và đương đại. Những sản phẩm nghệ thuật không chuyên ấy chính là nền móng không thể thiếu của nghệ thuật chuyên nghiệp, là "chân tháp" mà không có nó thì cũng không thể có "đỉnh tháp"!
Nhìn lại lịch sử văn hóa - nghệ thuật Việt Nam, hiện tượng vừa nêu trên không phải là điều mới lạ. Đã từng có hiện tượng "người người sáng tác, nhà nhà sáng tác", thế hệ nối tiếp thế hệ... sáng tác đủ các thể loại nghệ thuật: văn, thơ, họa, nhạc... Để rồi thông qua một quá trình sàng lọc, gạn đục, khơi trong mà có một kho tàng nghệ thuật dân gian đồ sộ về khối lượng, và óng ánh về chất lượng. Khi bạn bè trên thế giới gọi Việt Nam là đất nước của anh hùng và thơ ca cũng là muốn nói về điều đó.
Truyền thống ấy vẫn đang tồn tại, nhưng lại hiện hữu dưới một hình thức khác trước - do điều kiện xã hội và nhất là khoa học công nghệ đem lại. Chuyện in ấn một bài thơ, một bài hát... giờ đây chỉ là "chuyện vặt". Xin ai đó chớ hốt hoảng. Thời gian sẽ thực thi chức năng sàng lọc, gạn đục khơi trong của nó - kể cả với tác phẩm của chính anh (và bạn)!
Riêng với tập nhạc phổ thơ của Đoàn Kim Vân và Nguyễn Duy Yên, lại còn có một nét khác. Phổ thơ, về thực chất là một sự đồng điệu giữa người làm thơ và người soạn nhạc - thậm chí là một dạng tri kỷ, tri âm. Trước hết, đó là sự chia sẻ và sự quý trọng của các nhạc sĩ đối với hai tác giả Đoàn Kim Vân và Nguyễn Duy Yên. Hai người từ một đôi tình nhân giữa một cô "thôn nữ" và một chàng "lính chiến" đến lúc kết tóc xe tơ thành vợ thành chồng, rồi nay lại nên ông, nên bà (nội, ngoại), với một mối tình thủy chung - chắc đã gợi thức trong tâm hồn của các nhạc sĩ bạn bè những cảm xúc nào đó. Nhìn vào hiện trạng tình yêu và hôn nhân, dường như mối tình giữa Đoàn Kim Vân và Nguyễn Duy Yên đã thành một tấm gương trong. Tình yêu sắt son ấy đã được kết đọng trong thơ, và các nhạc sĩ, với trực giác tài năng của mình, đã phát hiện, thấu hiểu, và hòa nhịp trái tim mình thành những dòng âm thanh mượt mà, ý nhị.
Hai tác giả thơ - Đoàn Kim Vân và Nguyễn Duy Yên - không chỉ khoanh thế giới tình cảm của mình trong giới hạn anh em, con cháu, bạn bè... mà còn mở rộng sang cả đất trời, sông biển, cỏ cây ... Yêu người nên yêu đời cũng là thế!
Thế giới tình cảm trong thơ của Đoàn Kim Vân và Nguyễn Duy Yên còn mang một sức lay động sâu xa khác nữa đối với các nhạc sĩ - đó là sự đồng điệu trong cách cảm nhận cuộc sống. Nhìn lại, các nhạc sĩ phổ thơ gần như là ở độ tuổi ngoại lục tuần - nghĩa là cùng trang lứa với hai tác giả thơ. Từ nét hồn nhiên, chân chất của mối tình, của một thời - dăm chục năm trước - của hai tác giả thơ đã gợi thức trong ký ức các nhạc sĩ những mối tình thơ mộng, thơ ngây của một thời son trẻ về trước mấy trục năm. Một chút bâng khuâng, xao xuyến ....trước cảnh vật bao la, một nét lắng sâu, suy ngẫm về nhân tình thế thái , một thoáng vui buồn về thời gian, tuổi tác... tất cả gần như là "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu". Họ, tác giả thơ và tác giả nhạc đã soi thấu lòng nhau. Và có một vài nhạc sĩ trẻ hơn về tuổi đời, có lẽ đã vượt ngưỡng năm, tháng để hòa nhịp với suy tư và cảm nhận của hai tác giả Đoàn Kim Vân và Nguyễn Duy Yên.
Còn một điều kì thú nữa: trong 20 bài hát phổ thơ được in vào tập này (chắc chưa đầy đủ) trong tổng số 90 bài nhạc phổ thơ (35 bài phổ thơ Nguyễn Duy Yên, 55 bài nhạc phổ thơ Đoàn Kim Vân) Có một số bài nhạc phổ thơ đã được in trong tập Dặm đời và Chân trời mới.
Nhìn chung, thơ của bà được phổ nhạc nhiều hơn thơ của ông (xin hai tác giả thơ thông cảm khi tôi không dùng mấy từ "thơ của anh" và "thơ của chị" vì hai anh chị đã ở vào tuổi thất tuần! Tôi cũng không dùng mấy từ "thơ của hai cụ", vì thơ là tiếng lòng thì không thể tính đếm bằng năm, tháng, thời gian ...).
Vì sao "thơ của nàng" lại được phổ nhạc nhiều hơn "thơ của chàng" -gọi thế cho phù hợp với tình cảm trong thơ của hai tác giả. Hai tác giả thơ, hơn nửa thế kỉ qua, tuy "hai mà một".
Nhưng theo luật của thượng đế vẫn là tuy "một mà hai". Thơ của Nguyễn Duy Yên, đọc kỹ, vẫn có cái rắn rỏi, cứng cáp, nam tính của người "lính chiến", thơ của Đoàn Kim Vân lại mang cái chất dịu dàng, đôn hậu, nữ tính của cô "thôn nữ" ngày nào. Âm nhạc là tiếng nói của tình cảm, vì thế thơ của Đoàn Kim Vân dễ lay thức sự đồng cảm của các nhạc sĩ sáng tác chăng?
Và qua đây, ta càng thấy rõ mối liên hệ bên trong giữa thơ và ca trữ tình là phản ánh cuộc sống của hai loại thơ thuộc hai loại hình nghệ thuật. Mối duyên thơ giữa thơ và nhạc sẽ bổ trợ cho nhau để tạo nên những ca khúc có sức sống lâu bền.
Tập bài hát này, trước hết, ghi nhận sự đồng điệu giữa hai tác giả thơ và các tác giả nhạc. Và tất cả, đang chờ bạn tri kỷ, tri âm ...
Xuân Đinh Hợi 2007
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét