CÁC TÁC PHẨM CHÍNH
- TIẾNG LÒNG, in chung, NXB Văn hóa - Thông tin,1997
- DẶM ĐỜI, in chung, NXB Văn học, 2001
- CHÂN TRỜI MỚI, in chung, NXB Văn học, 2003
- BIỂN ĐỜI, in chung, NXB Văn học, 2008
- TUYỂN TẬP THƠ, in chung, NXB Văn học, 2010
- MÊNH MANG... XUÂN, Nguyễn Duy Yên, NXB Văn học, 2009
- MỘT THOÁNG HƯƠNG XƯA, Nguyễn Duy Yên, NXB Hội Nhà Văn, 2010
- NGƯỢC DÒNG THỜI GIAN, Đoàn Kim Vân, NXB Văn học, 2008
- MÙA HOA NHÃN, Đoàn Kim Vân, NXB Văn học, 2010
- MUÔN NẺO ĐƯỜNG THƠ, Nguyễn Duy Yên, NXB Văn học, 2012
- TÂM HỒN TÔI, Đoàn Kim Vân, NXB Văn học, 2003
Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013
Chùm thơ 4 câu (Kim Vân)
Ảnh Internet
TÌM
Người đi tim kiếm bạc vàng
Riêng tôi tìm lấy một nàng thơ chơi
Ngẫm xem những tấn trò đời
Ai mà tìm thấy mặt trời nửa đêm.
NGẪM
Cái gì đạt tới đỉnh cao
Tai ương sẽ đến vận vào mình thôi
Duyên kia chỉ có một thời
Hiểu nhiều biết lắm để rồi dại khôn!
NGHĨ
Lợi danh như thể phù du
Hãy nên thêm bạn bớt thù là hơn
Biển đời sóng gió nguồn cơn
Mai ngày về đất hỏi còn gì đâu?
SỬA MÌNH
Muốn hay phải biết sửa mình
Đừng kiêu ngạo quá mà sinh hợm đời
Thả mình vào chốn ăn chơi
Để rồi bỏ phí một thời xuân xanh.
HỎI MÌNH ?
Biết nhục thì mới có vinh
Cớ sao lại để kẻ khinh người cười
Tháng ngày mê mải rong chơi
Học hành biếng nhác oán đơi nỗi chi ?
Đoàn Kim Vân
Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013
Dặm đời
DẶM ĐỜI
Dặm đời được mấy tấc gang
Nổi chìm sông nước đoạn trường ai hay
Ngàn xưa con nỗi vơi đầy
Nợ đời trả trả, vay vay khôn cùng
Để ai dợi để ai mong
Tơ vương chi lắm cho lòng thêm đau
Ai đi đâu?Ai về đâu?
Để thương để nhớ để sầu cho ai?
Dặm đời sao lắm chông gai
Ái ân duyên nợ còn dài tình chung
Chí trai trả nợ anh hùng
"Dặm đời" góp chút vui cùng nước non.
Đề tựa tập thơ "DẶM ĐỜI"
của Nguyễn Duy Yên
Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2013
TRĂNG LÊN (Duy Yên)
Ảnh Internet
TRĂNG LÊN
Trời cao thăm thẳm gió hây hây
Nhấp nhánh sao đêm mọc phủ dầy
Trăng hiện dần lên soi sáng tỏ
Mơ màng hạ giới giấc nồng say.
NẮNG HẠ
Hạt nắng khô cằn buổi giữa trưa
Bầu trời trong vắt gió vừa vừa
Thư phòng tĩnh mịch mang hơi ấm
Con chữ gieo vần gợi ý thơ
Nguyễn Duy Yên
Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013
Chuyện đời
Ảnh Internet
CHUYỆN ĐỜI
Vàng thau lẫn lộn chuyện xưa nay
Thật giả xem ra khó giãi bày
Đục nước béo cò tôm tép nhảy
Gian tà xen lẫn với người ngay.
BỆNH HOẠN
Chẳng cần bằng cấp cũng lên quan
Nuôi lũ mọt dân vận nước tàn
Tham nhũng diệt trừ từ gốc rễ
Coi chừng bệnh ấy dễ lây lan.
Nguyễn duy Yên
ẢNH
![]() |
Tổng kết công tác từ thiện năm 2012 ban liên lạc công an TƯ
Bà Đoàn Kim Vân (Từ trái sang phải đứng thứ 6)
|
Cảm xuân Quý Tỵ (Duy Yên)
Ảnh Internet
CẢM XUÂN QUÝ TỴ (2-2013)
Một năm đã qua
Mừng thêm một tuổi...
Nâng ly rượu "Rắn chúc xuân chơi
Thơ phú ngâm nga ngẫm sự đời
Cách mạng vần xoay theo vận nước
Chiến tranh thế giới lúc đầy vơi.
Hòa bình mơ ước của loài người
Đã trải bao đời vẫn thế thôi
Máu đổ xương rơi ngoài chiến địa
Đau lòng nhân loại hóa công ơi.
Phân định biển trời đất của ta
Xả thân giữ lấy nước non nhà
Xuân reo,sóng vỗ trời , mây, gió
Chiến sỹ vững lòng giữa đảo xa.
Bốn mùa luân chuyển một năm qua
Mang sắc hương xuân tới mọi nhà
Kinh tế tạm thời đang gặp khó
Mong rằng "Quý Tỵ"sẽ thăng hoa.
Xuân Quý Tỵ (2-2013)
Nguyễn Duy Yên
Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013
TẾT NHỚ MẸ (Ngọc Bích)
Ảnh Internet
TẾT NHỚ MẸ
Tới nay vắng mẹ tám mùa xuân
Tết đến càng thêm nhớ bội phần
Mẹ đã đi xa về cõi Phật
Con buồn vắng mẹ thấy bâng khuâng.
Những ngày có mẹ ở bên tôi
Đón Tết mừng vui rộn tiếng cười
Mẹ đón các con về chúc Tết
Giao thừa pháo nổ khắp nơi nơi.
Mẹ bảo : Lại thêm một tuổi trời
Chúc cho con cháu lộc sinh sôi
Gia đình hạnh phúc từ nguồn gốc
Thịnh vượng , an khang , đức để đời.
Tết đến xuân về nhớ mẹ tôi
Con nhìn ảnh mẹ dạ bồi hồi
Bàn thờ ngũ quả hương thơm ngát
Con mẹ lại thêm một tuổi rồi.
Viết tại quê nhà Gia bình- Bắc ninh
Trưa ngày mồng năm Tết (14-2-2013)
Nguyễn Thị Ngọc Bích
Kính gửi : Bà Đoàn Kim Vân
Sau khi đọc tập thơ" Biển đời" bà tặng tôi.
Ngọc Bích
Phó chủ tịch MTTQVN phường Văn miếu
Cảm ơn bạn tặng sách thơ
"Biển đời" rộng lớn bến bờ mênh mông
Hồn thơ lai láng khôn cùng
Gặp nhau bởi tiếng tơ lòng hòa chung.
Nguyễn Thị Ngọc Bích
Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013
CẢM XUÂN QUÝ TỴ (Duy Yên)
Ảnh Internet
CẢM XUÂN QUÝ TỴ (2-2013)
Nâng ly rượu "Rắn"chúc xuân chơi
Thơ phú ngâm nga ngẫm sự đời
Cách mạng vần xoay theo vận nước
Chiến tranh thế giới lúc đầy vơi.
Hòa bình mơ ước của loài người
Đã trải bao đời vẫn thế thôi
Máu đổ xương rơi ngoài chiến địa
Đau lòng nhân loại hóa công ơi!
Phân định biển trời đất của ta
Xả thân giữ lấy nước non nhà
Xuân reo sóng vỗ trời mây ,gió
Chiến sĩ vững lòng giữa đảo xa.
Bốn mùa luân chuyển một năm qua
Mang sắc hương xuân tới mọi nhà
Kinh tế tạm thời đang gặp khó
Mong rằng "Quý Tỵ"sẽ thăng hoa.
Xuân Quý Tỵ (2-2013)
Nguyễn Duy Yên
Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013
XUÂN MƠ ƯỚC (Duy Yên)
Ảnh Internet
XUÂN MƠ ƯỚC
Rượu chưa uống đã say xuân từ vạn nẻo
Tiếng đời reo thay áo mới đón mừng xuân
Chút gánh nặng ta nghỉ ngơi dừng chốc lát
Mùa qua mùa xin cầu nguyện vững đôi chân.
Muôn nỗi nhớ từ xa xưa dồn dập tới
Mưa bụi giăng hoa chúm chím gọi xuân về
Tha hương để lòng xao xuyến buồn day dứt
Thao thức đêm dài đau đáu xót tình quê.
Nghĩ cám cảnh bao con người nghèo đói khổ
Kẻ giàu sang phô lắm của sống sa hoa
Bất công đấy. người với người tình quên lãng!
Trời thì cao mà trái đất rộng bao la.
Đành xếp lại, buôn chuyện đời nhiều vô kể
Đón xuân chơi quên tất cả vết thương đau
Hãy hướng tới phía chân trời đầy ánh sáng
Cỏ hoa thơm và nhân loại biết thương nhau.
Xuân Quý Tỵ (2-2013)
Nguyễn Duy Yên
Thứ Hai, 4 tháng 2, 2013
ĐÓN XUÂN (Duy Yên)
Ảnh Internet
ĐÓN XUÂN
Đào ,Quất đua chen khắp phố phường
Ngát mùi thơm dịu,chị hàng hương
Hơi xuân đã thấy về trong gió
Lay động tâm hồn khách viễn phương.
Hối hả dòng đời chạy ngược xuôi
Gió đông rét buốt đến tê người
Mà lòng vẫn ấm chờ xuân đến
Mưa bụi giăng màn lất phất rơi.
Da diết trong lòng nhớ cố hương
Ngày nao cặp sách tới nhà trường
Võ lòng dăm chữ rồi từ ấy
Đời kéo trôi theo khắp nẻo đường.
Giờ đây con cháu đã đông vui
Tuổi trẻ qua đi nếm đủ mùi
Mặn,nhạt cay,chua đều nếm cả
Da mồi,tóc bạc vẫn ham chơi.
Ngày cuối năm Nhâm Thìn
Nguyễn Duy Yên
Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013
Cặp Song Ca Hai Thế Kỷ
Cố nhà thơ Phạm Tiến Duật
Cặp Song Ca Hai Thế Kỷ
Biển đời là tập thơ thứ tư của hai tác giả, cặp song ca hai thế kỷ: Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân. Họ song ca trên thi đàn suốt từ thủa đôi mươi đến lúc bạc đầu mà vẫn như chưa già. Sở dĩ có tên tập thơ Biển đời bởi nhà thơ chiến sĩ vệ quốc năm xưa Nguyễn Duy Yên có một bài thơ dài, có thể gọi là trường ca mang tên ấy. Trường ca biển đời có 6 chương, đánh từ I đến VI. Đọc đi đọc lại thấy có 5 chương đời và một chương đạo. Đời là đời người, là các quan hệ và ứng xử xã hội. Đạo là cái bao quát ở trên cao, chỉ dẫn cho lẽ sống, lối sống. Cái chương mang chất đạo ấy là chương thứ V toàn văn như sau:
Biển đời bát ngát mênh mông
Bao điều bí ẩn trong lòng đại dương
Lối đi trăm nẻo ngàn phương
Con đường định mệnh đoạn trường ai hay
Ngọt bùi chua chát đắng cay
Luân hồi một kiếp vần xoay bộn bề
Tha hương mang nặng tình quê
Khát khao nỗi nhớ ngày về ước ao
Đất thì rộng trời thì cao
Biển đời sóng dữ dội vào quanh ta
Nắng mưa đâu có thuận hòa
Xanh đồng là bởi tay ta vun trồng
Giọng thơ điềm tĩnh này chỉ thấy ở Nguyễn Duy Yên chừng hai mươi năm nay khi các suy nghĩ cùng thơ đã tới độ chín. Nói theo cách nói của các triết gia Trung Hoa xưa thì đạo là hình nhi thượng và đời là hình nhi hạ. Các thiết chế xã hội mà khổng tử đặt ra như: quân - thần - phụ - tử, quân - phu - phụ đều là hình nhi hạ. Còn với Trang Tử thì chỉ có hình nhi thượng mà thôi. Chính Khổng Tử cũng phải khâm phục Trang Tử ở tính uyên thâm.
Khổng Tử viết: "Con chim kia có bay trên trời; trời rộng không cùng. Nhưng ta vẫn có thể lấy tên mà bắn. Con cá kia có lội dưới nước; nước rộng không cùng. Nhưng ta vẫn có thể lấy lưới mà quăng. Đến như đạo của ông Trang thì ta không lấy gì quản lý cho được".
Trích dẫn câu nói để ý rằng thơ tới được cõi đạo là phải trải qua bao trầm luân của cuộc đời thường.
Xuất thân từ một họ tộc lớn, trong họ hàng còn có người có tên trên văn bia danh giá tại Văn Miếu, Kim Vân là người quý trọng sự hiền tài, giao du rộng. Ấy là bối cảnh để cô đúc thơ ngày một sâu rộng.
Sinh thời, nhạc sĩ Trần Hoàn, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, nguyên chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, khi phổ thơ của Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân có nói rằng: " Sự hiểu biết của anh, mới phổ thành nhạc được". Các nhạc sĩ hàng đầu Nguyễn Đức Toàn, Hoàng Vân đến Trọng Bằng, từ Hồng Đăng, Huy Thục, Văn Dung đến La Thăng, Dân Huyền... đã cùng đồng cảm với hai tác giả, mà phổ nhạc một số bài thơ mang đậm nét chữ tình.
Và theo quan sát của tôi còn có một người gọi là anh cũng được, là bạn vong niên cũng được, rất có thiện cảm với anh, chị Đoàn Kim Vân và Nguyễn Duy Yên, nên đã có thơ tặng, in trong ba tập thơ: Dặm đời, Chân trời mới, Biển đời. Đó là nhà triết học, giáo sư, anh hùng lao động Vũ Khiêu, một nhà giáo, một nhà thơ, một nhà nho nữa. Bầu không khí tri thức và văn nghệ sĩ quanh hai tác giả nếu như ở Châu Âu thì gọi là " Bầu không khí quý tộc". Điều đó chỉ đúng bề ngoài thôi, bản chất thì không phải vậy. Cả hai tác giả vốn là dân dã. Một Việt kiều tại Mỹ, ông Nguyễn Ngọc Hoàn có mấy dòng sau đây:
Xuân nắng Cali rất dịu dàng
Trong vời thôn Thụy nhớ anh Yên
Thôn Thụy trong dòng thơ ấy tức thôn Thụy Lôi thuộc huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Ngạn ngữ có câu "Bánh dày nếp cái, con gái Tiên Lữ".Gái Tiên Lữ là vậy nhưng trai Tiên Lữ vất vả, muốn thành tài phải có máu phiêu bạt. Và cái thanh niên tân Yên trong thơ cũng là người có máu phiêu bạt nhưng phiêu bạt một cách.... cách mạng. Ngay từ thủa trẻ, Nguyễn Duy Yên đã phải rời xa quê hương nơi thật bình yên:
Nhớ tuổi thơ nhớ mái trường
Cây đa giếng nước, con đường thủa xưa
Vẳng nghe vọng tiếng chuông chùa
Phố Suối sông Luộc sớm trưa đi về
Từ tuổi thơ trong câu thơ ấy đến tuổi tám mươi như trong thoáng chốc, là người ở thế hệ đi sau, tôi mừng khi thấy tác giả Nguyễn Duy Yên còn tình tự được ở cái tuổi xưa nay hiếm, không phải tình tự với một thiếu nữ cụ thể mà tình tự với nàng xuân:
Xuân trẻ đẹp, xuân là muôn thủa
Đuổi theo nàng quên tuổi tám mươi
Nồng cháy con tim đầy mộng ước
Hai đứa song hành dạo gót chơi
Thú thật đoạn thơ vừa trích là câu cuối "hai đứa song hành", chữ "hai đứa" trong tiếng Việt chỉ những người không chỉ giống nhau về độ tuổi mà còn ở nhiều điểm chung khác.
Câu thơ ấy là một sự kiêu ngầm: sánh với mùa xuân là sánh với sự bất tử. Nhưng dù sao đi nữa, ấy cũng là sự tình tự ước lệ, vu khoát từ trên cao, từ hình nhi thượng, từ cõi đạo người.
Lật mở những trang thơ của mấy chục năm về trước, ta bắt gặp một Nguyễn Duy Yên trẻ trung với tình cảm đời thường tinh tế trong nhớ nhung, chờ đợi, yêu đương... Đây là một đoạn trong bài Tiếc nuối có lẽ được tác giả viết trước ngày Giải phóng thủ đô1954:
Dẫu rằng trăm nhớ ngàn thương
Vẫn không ngăn nổi đôi đường cách xa
Từ ngày em lên xe hoa
Người về ngơ ngẩn vào ra một mình
Và cả ở bải dấu yêu nữa, không biết viết vào ngày tháng năm nào:
Người đi mang thương nhớ
Nỗi buồn buổi tiễn đưa
Dù xa nhau mãi mãi
Vẫn nguyên vẹn tình xưa
Những kỉ niệm như thế, đời người hẳn ai cũng có, như những đốm lửa đã tắt mà đôi khi còn hắt nóng ở những chặng đường sau. Cái buồn man mác của sự chia xa bao giờ cũng là cái buồn sang trọng.
Sông kia bên lở lại bên bồi
Bến cũ theo dòng lũ cuốn trôi
Người xưa vẳng bóng tìm đâu thấy
Chỉ thấy chim sa tận cuối trời.
(Bến xưa - 1964)
Có thể, một vẻ đẹp cụ thể đã được nâng lên thành hình tượng của cái đẹp thẩm mỹ. Có thể tìm thấy điều này trong một bài thơ Nguyễn Duy Yên sáng tác cách đây gần sáu năm, bài thơ Tình lặng:
Thơ thẩn cô em đứng chờ ai
Tóc mây buông thõng tỏa hương nhài
Khách thơ chợt đến tình không nói
E lệ che nghiêng mái tóc dài
Ấy là cô gái " chờ ai", tức là chờ bạn trai của cô ta chứ mắc mớ gì đến tác giả. Thế mà quen, thế mà hẹn, thế mà nhớ, thế mà buồn. Nghe thơ này không biết người bạn đời, bạn thơ của Đoàn Kim Vân có ghen không:
Mà có gì đâu để nhớ nhau
Một thoáng tơ vương một chút sầu
Ngược xuôi đôi ngả đường vạn nẻo
Tình lặng thôi đành hẹn kiếp sau
Nhưng đọc kỹ, thấy ghen để làm gì vì người đẹp trong thơ cũng như người đẹp trong tranh. Chính tác giả đã vẽ như vậy:
Từ ấy mang theo bệnh tương tư
Khắc khoải ngày đêm đợi ngóng chờ
Để rồi tất cả tan theo mộng
Người đẹp chỉ còn trong ý thơ
Vâng, tôi không có ý bình luận tổng quát về thơ "giọng ca nam" Nguyễn Duy Yên trước khi nói về giọng ca nữ Đoàn Kim Vân mà chỉ muốn nói rằng thơ Nguyễn Duy Yên khi đạo rất đạo và khi đời rất đời. Nếu cần bình chọn một trong những bài thơ xuất sắc nhất của Nguyễn Duy Yên trong tập thứ tư này, không thể thiếu bài Rừng chiều. Bài thơ bốn khổ vẻn vẹn 16 dòng mà man mác buồn. Thời gian tác giả chọn là lúc ngày sắp hết, đêm sắp sang:
Tôi muốn ôm hôn bóng dáng chiều
Chẳng có gì đâu một chút yêu
Hoàng hôn trĩu nặng gieo tĩnh lặng
Tia nắng cuối cùng cũng tắt theo
Người đọc như ngợp trong khung cảnh tĩnh lặng, một màu nâu tối của kèn pha - gốt:
Dốc vắng lối đi mòn sỏi đá
Rừng chiều le lói bóng tà dương
Sương pha màu khói miền sơn cước
Thấp thoáng nẻo xa mấy bản mường
Ngỡ như tranh Lêvitan, thấy cây, thấy cảnh, mà tĩnh lặng người, có đấy mà không đấy:
Trâu về lốc cốc mõ khuya vang
Nương rẫy xanh xanh lốn đốm vàng
Dòng nước suối khe tuôn róc rách
Đi mãi về đâu bóng áo chàm
Còn nắng thì còn thơ, tắt nắng thì thơ cũng dừng. Tô Đông Pha viết:"Ý hết ở đâu thì lời dừng ở đó là thơ mực thước. Lời hết mà ý chưa dừng là thơ trác việt". Cái cô đơn ở bài này là sự không dừng :
Rừng chiều tắt nắng ngả màu đen
Mờ nhạt xa xa mấy ánh đèn
Rừng khuya vắng lặng âm u quá
Canh trời còn lại ánh sao đêm
Song hành cùng Nguyễn Duy Yên, thơ Đoàn Kim Vân đến hồi bừng nở như một mùa hoa có muôn loài rực rỡ. Cái khác về chất của giọng nữ so với giọng nam cùng tập thơ Đoàn Kim Vân nô nức hơn, tập trung hơn, người đọc thấy cuống lên khi gặp ở tập biển đời một cuộc duyệt binh mà vị tổng tư lệnh là Đoàn Kim Vân và người diễu qua khán đài là các loài hoa. Cho đến nỗi, tôi phải cố tra từ điển để biết loài hoa này khác loài hoa kia.
Trà hoa thưởng thức mùa xuân
Hồng hoa thanh nhiệt tinh thần thêm vui
Trà hoa có phải là loại có tên là camellia, mà trà hoa tác giả nói là loài Camellia of Japan, hay loài Yellow Camellia? Là loài Water Plantago hay loài Water plantain ?
Hoa tam thất chữa tiền đình
Trừ phong hoạt huyết lạc kinh phục hồi
Cúc hoa chữa sáng con ngươi
Thủy tiên kết hợp để rồi phát huy
Không biết loài cúc tác giả nói tới là loài cúc nào, nếu là cúc vàng (Golden - Flowered Chrysan - Themum) thì dùng để chữa chóng mặt, nhức đầu và cả tinh mắt nữa. Còn loài thủy tiên( Daffodil) thì ở Nhật Bản coi là sự kết hợp của biểu tượng vương giả, thanh tao và kiêu hãnh nữa.
Phù dung chữa bệnh béo phì
Hồng hoa công dụng phòng khi mạch vành
Phù dung ở Mỹ gọi là Rose Nallow, sớm nở tối tàn. Còn loại hồng chữa bệnh tim tôi thật không tra cứu vào đâu. Chỉ thấy nói hoa hồng leo (Climbing rose) chữa bệnh say rượu thôi
Không dừng lại ở đó, trong Những bông hoa rừng Đoàn Kim Vân nhắc đến hoa dã quỳ:
Dù cho giông tố bão bùng
Dã quỳ vẫn nở giữa rừng Tây Nguyên
Tác giả có cả một bài về hoa anh túc:
Nàng tiên nâu ẩn náu trong hoa
Đó là loài hoa đẹp mà phải lên án, khác hẳn loài hoa quỳnh trong bài thơ Kiếp hoa quỳnh:
Em từ kẽ lá nở ra
Quỳnh hoa em đẹp như là dáng tiên
Thẹn Thùng khoe sắc về đêm
Đợi người quân tử bên thềm ngắm trăng
Hoa cười cánh trắng như bông
Sao nhanh tàn héo cho lòng ai đau?
Bạn cùng trăng gió đêm thâu
Kiếp hoa để lại nỗi sầu thi nhân
Xin cung cấp thêm tư liệu cho tác giả: hoa quỳnh còn được gọi là Hoàng hậu của màn đêm. Dạ hội thơ ngắm hoa quỳnh nở lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam vào mùa thu năm 1939 tại nhà hàng chế dầu Khuynh Diệp mang tên Viễn Đệ ở Huế. Tên khoa học của hoa quỳnh là Phyllocatus và đúng là kiếp hoa để lại nỗi sầu thi nhân.
Bà Đoàn Thị Kim Vân còn viết về hoa nguyệt quế:
Nhỏ nhắn xinh tươi trắng nõn nà
Đêm còn ươm nụ sáng đầy hoa
Từ các loài hoa thật, nữ thi sĩ viết về các thành phố hoa. Ấy là Đà Lạt:
Đà Lạt lung linh một góc trời
Hoa đèn hòa quyện với hoa tươi
Ấy là SaPa:
Cầu mây soi bóng suối SaPa
Thấp thoáng cao cao mấy nóc nhà
Và cũng từ loài hoa thật. Nữ thi sĩ viết về "bông hoa người", ba cô con dâu mang tên loài hoa : Kim Cúc, Mai Hồng, Vân Anh:
Cúc vàng chào đón thu sang
Hồng tô sắc thắm dịu dàng nở hoa
Anh đào cánh trắng nõn nà
Bốn mùa hòa quyện vườn nhà tỏa hương
(Hoa đời - 2.2007)
Tôi đi giữa các bài thơ của tác giả Đoàn Kim Vân như đi lạc vào trong các vườn hoa, không biết lối ra, chỉ thấy hương thơm của sự sang trọng mà không thấy bao quá khứ vất vả. Tôi chỉ muốn ngửi thấy hương thơm của hoa, không thấy mùi nhựa cây, mùi hăng hăng của mùn cưa, không gian tĩnh lặng đã xóa đi cái ồn ào vốn có của xưởng sản xuất đồ gỗ Mỹ Hà là một trong những doanh nghiệp nổi tiếng trong và ngoài nước, nơi mà nữ sĩ Đoàn Kim Vân đã sáng lập và làm giám đốc.
Với tư cách là nhà thơ, đồng thời cũng là một nhà báo chuyên nghiệp, tôi đã đọc rất nhiều bài báo ca tụng giám đốc sáng lập Công ty Mỹ Hà là bà Đoàn Kim Vân, một doanh nghiệp văn hóa năng động luôn biết kết hợp kinh tế với văn hóa, dân tộc với hiện đại, người đời ca tụng thôi chứ tác giả khiêm nhường không tự nói về mình, chỉ thấy một thoáng buồn lúc tác giả nằm viện. Trong bài Tự sự, Đoàn Kim Vân viết:
Chỉ có một chị phụ nữ hơi cứng tuổi, tai tinh mắt sáng tên là Đoàn Kim Vân mà thôi. Ấy là không nợ ai tiền bạc, nhưng nợ tình thì vương vấn mãi:
1. Quê hương
2. Tuổi hoa niên
3. Hà Nôi
4. Những thành phố và những miền quê
5. Những hồ nước và những dòng sông
6. Thơ xuân
7. Thơ xướng họa
8. Thế sự
9. Chợ tình, chợ quê
10. Đình, đền, chùa, miếu
Có một tuyển tập thơ như thế hẳn rất thú vị.
Điều mà tôi mong được đọc nhiều hơn, biết nhiều hơn từ hai tác giả là những chặng đường vất vả một thời (những năm tháng quân nhân của tác giả Nguyễn Duy Yên, những năm tháng tần tảo, một thời bao cấp vất vả của nữ sĩ Đoàn Kim Vân). Cái chung trong thơ hai tác giả là khá đa dạng rồi mà hình như hơi ít cái riêng. Cái được thì cũng đã rõ, nhưng cái mất cũng là nhu cầu mà bạn đọc quan tâm. Nói như trong bài Nỗi niềm của Đoàn Kim Vân:
Chúc tác giả Nguyễn Duy Yên, tác giả Đoàn Kim Vân trẻ mãi trong đời và trong thơ. Chúc âm nhạc thơ của cặp song ca hai thế kỷ ngân mãi những bài ca bất tử.
Với tư cách là nhà thơ, đồng thời cũng là một nhà báo chuyên nghiệp, tôi đã đọc rất nhiều bài báo ca tụng giám đốc sáng lập Công ty Mỹ Hà là bà Đoàn Kim Vân, một doanh nghiệp văn hóa năng động luôn biết kết hợp kinh tế với văn hóa, dân tộc với hiện đại, người đời ca tụng thôi chứ tác giả khiêm nhường không tự nói về mình, chỉ thấy một thoáng buồn lúc tác giả nằm viện. Trong bài Tự sự, Đoàn Kim Vân viết:
Nhìn đời sóng mắt mờ sương khói
Ngán ngẩm nhân tình bạc tựa vôi
Tai chẳng muốn nghe lời kiệm nói
Sống đẹp sao đây trọn kiếp người
Bài thơ còn được chú thích bằng một dòng nghe rất đỗi thê lương như sau:"Viết bài này vào tuổi 70, mắt mờ, tai nặng". May mà chỉ có mấy tuần ở trong cảnh ấy thôi, bây giờ thì khác. Không có một cụ già 70 tuổi nào tên là thế.Chỉ có một chị phụ nữ hơi cứng tuổi, tai tinh mắt sáng tên là Đoàn Kim Vân mà thôi. Ấy là không nợ ai tiền bạc, nhưng nợ tình thì vương vấn mãi:
Biển lặng mà sao tình không lặng
Xuân qua rồi vẫn nặng tình xuân
Tháng năm dồn góp bao thương nhớ
Xuôi ngược dòng đời nợ ái ân
Ấy chính là con người không bao giờ ngừng nghỉ trong việc đi tìm cái đẹp:
Người đi tìm kiếm bạc vàng
Riêng tôi tìm lấy một nàng thơ chơi
Ngẫm xem những tấn trò đời
Ai mà tìm thấy mặt trời nửa đêm
Ngay ở đầu bài này tôi đã gọi vui hai tác giả Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân là "cặp song ca hai thế kỷ". Cũng bởi thế, đề tài thơ của hai tác giả có thể coi là một, có thể sắp xếp một tuyển tập thơ (cả hai có lẽ gần tới nghìn bài thơ), nếu biên tập, theo trình tự sau đây:1. Quê hương
2. Tuổi hoa niên
3. Hà Nôi
4. Những thành phố và những miền quê
5. Những hồ nước và những dòng sông
6. Thơ xuân
7. Thơ xướng họa
8. Thế sự
9. Chợ tình, chợ quê
10. Đình, đền, chùa, miếu
Có một tuyển tập thơ như thế hẳn rất thú vị.
Điều mà tôi mong được đọc nhiều hơn, biết nhiều hơn từ hai tác giả là những chặng đường vất vả một thời (những năm tháng quân nhân của tác giả Nguyễn Duy Yên, những năm tháng tần tảo, một thời bao cấp vất vả của nữ sĩ Đoàn Kim Vân). Cái chung trong thơ hai tác giả là khá đa dạng rồi mà hình như hơi ít cái riêng. Cái được thì cũng đã rõ, nhưng cái mất cũng là nhu cầu mà bạn đọc quan tâm. Nói như trong bài Nỗi niềm của Đoàn Kim Vân:
Dễ đâu gặp được bạn hiền
Để cùng chia sẻ nỗi niềm hân hoan
Ước mơ cuộc sống thanh nhàn
Mà sao nặng gánh trần gian kiếp người
Cũng bởi gánh nặng gánh đời nên phải gánh thơ.Chúc tác giả Nguyễn Duy Yên, tác giả Đoàn Kim Vân trẻ mãi trong đời và trong thơ. Chúc âm nhạc thơ của cặp song ca hai thế kỷ ngân mãi những bài ca bất tử.
Mùa hè 2007
Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2013
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)